Còn nhiều hộ dân chưa chịu di dời khỏi vùng sạt lở

Cập nhật ngày: 02/08/2013 05:14:29

Mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu nhưng tình trạng sạt lở đã xảy ra tại các địa phương trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Để chủ động phòng tránh thiệt hại trước mùa lũ, UBND huyện Hồng Ngự đã có phương án vận động các hộ dân di dời gấp để tránh xa khu vực sạt lở nguy hiểm. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng người dân không chịu di dời vì không nỡ xa “nơi ăn chốn ở”...


Ngôi nhà của ông Cao Văn Trường chỉ còn cách bờ sông sạt lở chưa đầy 5m

Ở ấp 1, xã Thường Phước 1, bên bờ sông Tiền, chúng tôi thấy có 3 ngôi nhà đang cách khu vực sạt lở chưa đầy 20m. Dưới bờ sông, dòng nước sông Tiền đục ngầu vỗ vào bờ đất đang xói lở. Cô Nguyễn Thị Loan, sống gần 30 năm tại đây cho biết, từ sau cơn lũ lớn năm 2011 đến nay, mưa lũ xói mòn cộng với khai thác cát liên tục tạo thành dòng xoáy gây sạt lở nghiêm trọng. Trước đây, gia đình tôi có hơn 1.800m2 đất nông nghiệp nằm bên bờ sông, nhưng nay đã bị nước sông cuốn trôi hết. Hiện nay, địa phương có vận động đăng ký vào ở cụm dân cư hành chính nhưng gia đình chưa muốn đi.

“Mùa mưa lũ, về đêm nước sông lên, đất sạt lở ầm ầm cũng lo nhưng ráng cầm cự ở đây giăng câu lưới chứ xuống đó không có điều kiện làm ăn, gia đình cũng không có phương tiện chạy lên đây nên ở được tới đâu hay tới đó” - cô Loan nói.

Theo quan sát của chúng tôi, tại vùng nguy cơ sạt lở này đã có những vết rạn nứt rất đáng lo ngại. Chỉ cần một vài trận mưa lớn là những ngôi nhà này có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào. Ngôi nhà của ông Cao Văn Trường ở ấp 1, xã Thường Phước 1, cách bờ sông sạt lở chưa đầy 5m. Một số cây bên bờ sông bị bật gốc vì xói lở, nhưng gia đình ông vẫn chưa chịu di dời, ông cho biết: “Chính quyền địa phương đã đến vận động đăng ký vào ở cụm dân cư tại xã Thường Thới Tiền nhưng vì nơi ở này cách xa ruộng, vườn, rất khó khăn khi sản xuất mùa vụ nên gia đình tôi và các gia đình trên không muốn vào ở. Gia đình mong muốn chính quyền xã tạo điều kiện xây cụm dân cư tại xã Thường Phước 1, cách nhà hiện nay không xa để gia đình thuận lợi cho sản xuất, phát triển kinh tế”.

Theo ông Trần Văn Lãm - cán bộ nông nghiệp xã Thường Phước 1, hiện xã còn gần 17 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm chưa chịu di dời. “Theo họ, việc dời xuống cụm, tuyến dân cư sẽ gây khó khăn cho việc làm ăn vì hầu hết các hộ dân bị sạt lở thường làm nghề câu, lưới. Nếu di dời vào cụm, tuyến dân cư thì chỉ giải quyết được vấn đề “an cư”, đa số hộ sẽ bị thất nghiệp nên họ chưa chịu di dời” - ông Lãm nói. Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, đến nay trong tổng số 850 hộ nằm trong vành đai sạt lở thuộc các xã: Long Thuận, Phú Thuận A, B và xã Thường Phước 1, huyện đã vận động di dời được hơn 350 hộ dân vào ở các cụm, tuyến dân cư, còn lại khoảng 500 hộ cần di dời.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: “Do địa bàn huyện Hồng Ngự nằm ở khu vực đầu nguồn, cặp sông Tiền nên hàng năm nước từ thượng nguồn đổ về đã gây sạt lở đất đai ven sông, huyện đã có phương án bố trí dân cư vùng sạt lở vào cụm, tuyến dân cư. Tuy nhiên, công tác di dời người dân vào đây đang gặp khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do người dân không muốn xa nơi ở cũ, bên cạnh đó, họ cũng còn chủ quan trước nguy cơ sạt lở đất”.

Cũng theo ông Mẫn, mùa mưa lũ đã bắt đầu, tình trạng sạt lở tại một số xã đã xảy ra, huyện sẽ khẩn trương vận động, các hộ dân nhanh chóng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Trường hợp các hộ dân không chấp hành, huyện buộc phải cưỡng chế di dời.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn