Lấp Vò

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm

Cập nhật ngày: 18/06/2014 05:58:25

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là mục tiêu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm. Xác định được điều này, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Lấp Vò đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Triển khai Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp cùng các ngành có liên quan tích cực triển khai, thực hiện. Nhờ vậy, các cấp, ngành chức năng và người dân đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác đào tạo nghề; huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác đào tạo nghề và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề. Năm 2013, Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp mở 16 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp được 295/370 học viên, đạt gần 80% lao động.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2013, năm nay Trung tâm Dạy nghề huyện tiếp tục hướng vào đối tượng lao động tại chỗ. Trung tâm tăng cường phối hợp, mở các lớp đào tạo nghề ngay tại địa phương; khuyến khích các công ty, doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, vừa tham gia dạy nghề, vừa nhận lao động và bao tiêu sản phẩm. Điển hình tại xã Mỹ An Hưng A, hơn 1 năm qua, có cơ sở may Ichigo của anh Tạ Hoà Lợi đã thu hút được nhiều công nhân tham gia, nhưng do đa phần là lao động chưa qua đào tạo nên tay nghề không cao, sản phẩm làm ra ít, thu nhập thấp nên khiến nhiều công nhân chán nản, muốn bỏ việc. Trước thực trạng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã mạnh dạng đăng ký phối hợp cùng Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho các chị em ở địa phương. Đúng thời điểm cơ sở Ichigo đang cần thêm khoảng 50 công nhân có tay nghề để mở rộng sản xuất, nên đa số các học viên của lớp sau khi học xong được cơ sở nhận vào làm. Chị Phan Thị Hồng Nhiên, ấp An Bình, học viên của lớp may phấn khởi chia sẻ: “Từ khi mở lớp dạy nghề này tôi rất mừng vì thuận tiện trong việc đi làm để có thêm thu nhập”.

Cuối tháng 3 vừa qua, UBND xã Vĩnh Thạnh phối hợp với Công ty Sao Mai Đồng Tháp chọn nhà anh Lê Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã làm điểm dạy nghề đan ghế dây nhựa. Học viên của lớp đa phần là những chị em nhàn rỗi ở địa phương, có nhu cầu học nghề để có thêm thu nhập. Được biết, giá mỗi cái ghế nhựa thành phẩm được Công ty thu mua từ 65 - 68 ngàn đồng, bình quân mỗi người có thể đan 1,5 cái/ngày, thu nhập được 60 - 100 ngàn đồng. Bà Phạm Thị Chính ngụ ấp Vĩnh Bình A, xã Vĩnh Thạnh, cho biết, gia đình chủ yếu làm 3 công ruộng, thời gian rãnh nhiều nên hay tin xã mở lớp đan ghế nhựa lại có công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra, bà rất phấn khởi đăng kí tham gia.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở 9 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như: may công nghiệp, may dân dụng, đan ghế dây nhựa, sửa kiểng... Để Đề án ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Vũ Hoàng - Phó Giám đốc Trung Tâm Dạy nghề huyện Lấp Vò nói: “Thời gian qua Trung tâm chú trọng về đào tạo nghề có chất lượng, đầu ra ổn định. Trung tâm cũng thỏa thuận với Công ty Sao Mai về các lớp may công nghiệp. Sau khi học xong học viên sẽ được nhận vào làm tại chi nhánh ở Sa Đéc. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn”.

Cẩm Nan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn