Xã Long Hưng A

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 25/09/2013 06:04:50

Xã Long Hưng A (Lấp Vò) hiện có 2.450 hộ dân, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên đời sống của một số hộ còn nhiều khó khăn. Để mở hướng phát triển kinh tế, những năm qua, xã đã đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề đồng thời duy trì và phát triển các mô hình tổ hợp tác hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.


Chị em phụ nữ Tổ hợp tác đan bội ấp Hưng Mỹ Đông đang làm việc

Từ năm 2012 đến nay, xã mở 12 lớp đào tạo nghề nông ngiệp và phi nông nghiệp gồm: 6 lớp đan bội, 4 lớp may công nghiệp, 1 lớp công nhân xây dựng và 1 lớp trồng nấm cho hơn 320 lao động. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các đại lý, công ty bảo vệ thực vật trên địa bàn tổ chức các cuộc hội thảo, bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho khoảng 300 nông dân.

Kết thúc khóa học, hầu hết lao động đều tìm được việc làm phù hợp, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng hiệu quả canh tác cũng như nguồn thu nhập. Đặc biệt, xã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề đan bội vì nghề này có ưu thế tận dụng được lao động nông nhàn. Hiện nay, xã đã thành lập được 3 Tổ hợp tác đan bội ở 3 ấp Hưng Mỹ Đông, Hưng Mỹ Tây và Hưng Quới 2 với khoảng 100 hộ tham gia. Chị Ngô Thị Quyền - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã cho biết: “Đây là mô hình hiệu quả, giải quyết được việc làm cho lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương và hầu hết các tổ viên đều có thu nhập, cuộc sống ổn định”.

Ngoài ra, thông qua các nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các phiên giao dịch việc làm,... 2 năm qua, xã đã giới thiệu hơn 850 lao động làm việc tại các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,... và hỗ trợ cho 142 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế với số tiền trên 600 triệu đồng.

Từ những hoạt động thiết thực, hiệu quả, xã Long Hưng A đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo ở địa phương. Cụ thể, trong 2 năm (2011, 2012), xã có 194 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề ở xã vẫn còn những khó khăn do một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học để trang bị cho mình một nghề vững chắc, có việc làm ổn định, lâu dài; xã cách xa trung tâm dạy nghề nên việc đi lại học nghề còn khó khăn nên bà con ngại đăng ký,...

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề tạo việc làm cho lao động nông thôn phù hợp với tình hình địa phương, bà Nguyễn Thị Út Mai - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng A cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề, tổ chức các buổi tư vấn. Chú trọng nhân rộng mô hình dạy nghề; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động tại địa phương; chủ động liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn