Đề án 1956 tạo cơ hội việc làm cho người dân

Cập nhật ngày: 06/09/2013 04:59:13

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu năm 2013 đến nay, công tác đào tạo nghề, việc làm ở huyện Hồng Ngự chuyển biến tích cực.


Lao động nghề may có thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng

Để hoạt động đào tạo nghề cho lao động được triển khai đồng bộ, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo 1956 (1956 là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn) gồm các thành viên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Trung tâm Dạy nghề, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng... Ban chỉ đạo 1956 huyện tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề, số lượng người đăng ký học nghề cần đào tạo. Qua đó thống nhất mở các lớp ngành nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Ngoài tuyên truyền tư vấn về công tác đào tạo nghề trên hệ thống truyền thanh xã. Ban chỉ đạo 1956 còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức các buổi đối thoại tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho 53 lao động trên địa bàn huyện, tư vấn học nghề cho 250 lao động nông thôn.

Công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động được UBND các xã chú trọng thực hiện, trong đó tập trung khảo sát nhu cầu lao động tại các ấp, gắn nhu cầu với vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo. Bằng cách làm này, từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 8 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó đã bế giảng 2 lớp may công nghiệp tại xã Thường Thới Hậu A, giải quyết việc làm cho 15 lao động tại cơ sở may Bảy Đèo (xã Thường Thới Hậu A), có 12 lao động sau học nghề nhận hàng gia công tại nhà với thu nhập ổn định.

Ban chỉ đạo 1956 huyện Hồng Ngự đã tập trung sâu vào công tác dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động nông thôn phối hợp chặt với đơn vị tuyển dụng để thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ. Cách làm này, sau học nghề, lao động không quá lo lắng về tìm việc làm, phát huy được hiệu quả đào tạo nghề. Mặt khác, từ khảo sát, dự báo, một số nghề đang có xu hướng bảo hòa cũng được cân nhắc không mở lớp. Chế độ hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề cũng được quan tâm thực hiện. Đến nay có 181 lao động được hỗ trợ tiền ăn với số tiền hơn 10 triệu đồng theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh việc mở lớp nghề gắn với địa phương, Phòng LĐ-TB&XH tham mưu UBND huyện kêu gọi doanh nghiệp, công ty đặt trụ sở tại địa phương. Tại xã Thường Phước 1, Công ty TNHHMTV Tuyết Thành đã giải quyết việc làm cho 60 lao động tại địa phương, mỗi lao động có thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, có 2 công ty tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận lời mời của địa phương, thực hiện khảo sát, dự kiến đặt xưởng may tại xã Thường Phước 1, Thường Phước 2.

Sau thời gian triển khai thực hiện, Đề án 1956 đã góp phần quan trọng trong công tác định hướng nghề cho lao động nông thôn, mở ra cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Địa phương triển khai thực hiện Đề án sát với thực tế, không chạy theo chỉ tiêu, số lượng hoặc mở lớp không phù hợp với nhu cầu, gây lãng phí. Mục tiêu đặt ra trong những tháng cuối năm, huyện Hồng Ngự sẽ mở 8 lớp nghề nông thôn, vận động gần 200 học viên lao động tham gia học nghề; tiếp tục tuyên truyền các chính sách nghề, tư vấn việc làm, tạo điều kiện cho người học nghề có việc làm ổn định; đưa đội ngũ giáo viên dạy nghề tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng nhu cầu dạy học trong tình hình mới.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn