Đề phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Cập nhật ngày: 14/01/2013 05:45:57

So với những tháng cuối năm 2012, tình hình bệnh tiêu chảy ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có dấu hiệu giảm nhưng số trường hợp mắc mới phải vào điều trị tại các bệnh viện vẫn còn nhiều.

Tổng kết của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp (ĐKĐT), từ ngày 1/12/2012 đến 10/1/2013 có đến 396 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy vào điều trị tại bệnh viện, trong đó có 330 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, chiếm hơn 83%. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 9-10 trường hợp vào điều trị.


Trẻ bị bệnh tiêu chảy nằm điều trị tại Bệnh viện ĐKĐT

Đa phần những trường hợp trẻ em bị tiêu chảy thường tự điều trị tại nhà, sau đó đi điều trị tại phòng khám tư nhân rồi mới vào bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang nặng. Như trường hợp của bé Nguyễn Thị Kim Tươi (Sinh năm 2012) ở ấp Mỹ Tây 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười vào Bệnh viện ĐKĐT ngày 9/1.

Chị Phạm Thị Thu Thắm mẹ bé Kim Tươi cho biết, trước khi nhập viện gia đình thấy bé bị tiêu chảy nhiều nên đi bác sĩ tư ở huyện Tháp Mười trong 3 ngày liên tiếp nhưng không thấy thuyên giảm, đến ngày thứ 4 thấy cháu tiêu chảy liên tục và có kèm theo triệu chứng sốt cao nên chuyển đến Bệnh viện ĐKĐT. “Sau một ngày điều trị, bé hết sốt nhưng từ trưa đến chiều mà cháu đã đi tiêu hơn 10 lần, tôi sót ruột lắm. Ở gần nhà cũng có vài cháu mắc bệnh tiêu chảy như con tôi”, chị Thu Thắm nói.

Bỏ hết công việc buôn bán ở quê, đã hơn 5 ngày qua vợ chồng anh Nguyễn Anh Duy và chị Nguyễn Thị Kim Ngân ở xã Tân Quới, huyện Thanh Bình túc trực bên con là bé Nguyễn Trí Nguyễn (Sinh năm 2012) bị bệnh tiêu chảy nằm điều trị tại Bệnh viện ĐKĐT. Anh Duy cho biết: “Trước khi vào nhập viện bé đã được vợ chồng tôi đưa đi bác sĩ tư điều trị nhưng không hết, thấy vậy nên đưa vào bệnh viện”.

Trong những tháng gần đây số trường hợp mắc bệnh tiêu chảy đã gia tăng nhiều so với những tháng đầu năm 2012. Cụ thể, trong tháng 11/2012 toàn tỉnh xảy ra 1.469 trường hợp, trong đó có đến 755 trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi. Trong tháng 12/2012, chưa kể số liệu từ các huyện: Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, các huyện, thị xã, thành phố còn lại của tỉnh có đến 1.334 trường hợp mắc tiêu chảy, trong đó có 834 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi.

Bác sĩ Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp cho biết: “Bệnh tiêu chảy trong một vài tháng qua có dấu hiệu tăng cao, nhất là ở trẻ em, đến đầu năm 2013 đã tạm lắng dịu nhưng số mắc mới vẫn còn nhiều. Bệnh xuất hiện đều khắp trên địa bàn tỉnh. Để phòng tránh bệnh tiêu chảy, mọi người cần giữ vệ sinh cho trẻ, nên cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên uống vắc xin rota vi rút (giá từ 500 ngàn đến 700 ngàn đồng/liều uống, mỗi trẻ uống 2 lần) để phòng ngừa bệnh tiêu chảy. Đối với những trẻ nhỏ bị bệnh tiêu chảy, phụ huynh phải cho bú đầy đủ, những trẻ lớn hơn cho uống dung dịch orizol và cho ăn nhiều trái cây để bù lại lượng nước đã mất. Nếu thấy trẻ bị tiêu chảy từ 15 đến 20 lần/ngày phải đưa đi đến cơ sở y tế điều trị”.

Cùng với bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp thì thời điểm từ cuối mùa lũ đến dịp Tết Nguyên đán bệnh tiêu chảy sẽ gia tăng do yếu tố môi trường tác động. Bệnh tiêu chảy thông thường, nguyên nhân do vi rút gây ra và chủ yếu ở trẻ em dưới 3 tuổi. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp, thời gian qua số trường hợp mắc bệnh tiêu chảy trong độ tuổi trẻ em chiếm đến 80% tổng số ca bệnh trên địa bàn tỉnh, vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý phòng ngừa.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn