Đem niềm tin cho người nhà bệnh nhi

Cập nhật ngày: 24/02/2014 04:44:38

Từ sự ân cần giúp đỡ bệnh nhi nghèo, xử trí nhanh và kịp thời cứu những ca bệnh nguy hiểm, Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp đã tạo được niềm tin đối với nhiều người.

Một buổi ở Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh

Bệnh nhân của Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh thường là những đứa trẻ vừa chào đời đã mắc các chứng vàng da, nhẹ ký, bị dị tật từ bụng mẹ,... Và cả những trẻ khi vừa được đưa vào đây, người nhà gần như tuyệt vọng vì thấy con mình đã suy kiệt.


Điều dưỡng nơi đây luôn tận tình chăm sóc các bé

Để trẻ tránh được những vi trùng từ bên ngoài vào, lúc nào cửa Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh cũng được đóng kín. Bên trong cánh cửa, không gian yên lặng thì chợt có tiếng trẻ khóc óe lên. Nhận thấy bé đòi sữa, điều dưỡng Yến vội lấy bình sữa pha sẵn mang đến cạnh giường, một tay đút bé uống, tay còn lại dùng khăn ướt lau sữa bị ọc ra dưới miệng bé. Suốt mấy tháng nay, ngày nào các điều dưỡng cũng thay nhau cho bé uống sữa, thay tã, vệ sinh. Tương tự, các giường kề bên, để tránh cho trẻ nghe tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe, những “áo trắng” nơi đây đều đi nhẹ, nói nhẹ nhưng đôi tay, ánh mắt quan sát hầu như không ngưng nghỉ để trông nom các cháu.

Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh là nơi tiếp nhận trẻ vừa mới sanh ra đến trẻ dưới 15 tuổi điều trị nội trú trong các trường hợp cấp cứu, hồi sức theo dõi của bệnh lý nội, nhi, nhiễm. Các bệnh nhi trước khi được chuyển đến Khoa thường ở các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực và ở các khoa khác của BVĐK Đồng Tháp nên lượng bệnh nhi điều trị tại khoa khá nhiều. Để việc cứu chữa cho các bé đạt kết quả cao, trên 30 y, bác sĩ của khoa luôn làm việc với tinh thần nhanh nhạy, chính xác.

Như lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 20/2, nữ điều dưỡng Hòa tiếp nhận một bé trai cân nặng 4,1kg do Khoa Sản chuyển đến mắc các chứng thở nhanh, mặt bị bầm, cử động ít. Cô nhanh chóng đưa bé vào giường và chỉ mất khoảng 10 phút thực hiện các bước nghiệp vụ như lập hồ sơ, lấy sinh hiệu, đánh giá tổng quan về sức khỏe bé và đến gặp người nhà thông báo tình trạng của bé. Chưa hết một buổi sáng ngày 20/2, Khoa đã tiếp nhận đến 3 bé sơ sinh mắc các triệu chứng như da vàng, nhẹ ký, suy hô hấp, nằm yên không khóc,... Các bước tiếp nhận trẻ được tiến hành nhanh chóng để sau đó bác sĩ chuyên khoa sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp cho từng bé.

Bên ngoài khu điều trị, chị T.K. ngụ xã An Hòa, huyện Tam Nông chia sẻ: “Tôi đi làm ở TP.HCM, Tết về đây chơi thì sanh bé. 20 ngày nay chưa được gặp con vì khi sanh ra con và mẹ phải cách ly. Lúc đầu nghe nói con yếu phải điều trị đặc biệt, tôi lo lắm và định đưa về TP.HCM, nhưng thấy mọi người tin tưởng các bác sĩ ở đây nên tôi không chuyển viện. Bác sĩ cho biết hiện giờ con tôi khỏe lại rồi. Tôi mừng lắm và nôn nao chờ được gặp con”.

Thầy thuốc như mẹ hiền

Khuya, tại Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh, từ lãnh đạo đến nhân viên của khoa vẫn luôn túc trực 24/24. Trong quá trình trực, nghe bé nào khóc lớn tiếng thì mọi người không khỏi vui mừng vì hầu hết các bé vào đây sức khỏe yếu, tiếng khóc yếu ớt, bé khóc lớn là dấu hiệu cho biết bé đó đã đỡ hơn nhiều. Bác sĩ Lê Tuyết Hồng tâm sự: “Khi được phân công về đây, tôi phải làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn để tìm ra những cách điều trị thích hợp cho các bé, giúp các bé mau khỏe lại, đó cũng chính là niềm vui đối với tôi”. Mọi người yêu mến các y, bác sĩ ở đây vì ngoài tận tâm chăm sóc bệnh nhân còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp.


Các y, bác sĩ khoa chụp ảnh lưu niệm với gia đình cháu bé đuối nước,
ngưng thở được Khoa cứu sống

Khi thấy có hoàn cảnh người thân bệnh nhi không tiền, nhà nghèo, các y, bác sĩ của Khoa góp tiền cho người nhà bệnh nhi mua sữa, tã,... cho bé. Trường hợp mà khiến ai cũng cảm phục khi cách đây không lâu, Khoa tiếp nhận một cháu bé người Campuchia bị nhiễm trùng máu, khi tình trạng cháu bé nguy kịch, người nhà không tiền định mang cháu về. Qua tìm hiểu hoàn cảnh và bệnh tình cháu bé, bác sĩ cho biết, bệnh diễn tiến nặng nhưng còn khả năng điều trị, nếu đưa bé về nhà thì bé sẽ mất. Để điều trị bé phải tốn chi phí trên chục triệu đồng, sau khi bé khỏe mạnh, xuất viện, thương hoàn cảnh gia đình, bác sĩ trực tiếp điều trị bé đã chi trả toàn bộ số viện phí thay gia đình. Vừa qua, Khoa cứu sống một cháu bé người Đài Loan bị sốc, sau khi bé xuất viện, mẹ bé đưa “phong bì” cho một bác sĩ của khoa nhưng vị bác sĩ kiên quyết không nhận.

Y, bác sĩ nơi đây còn được coi như người mẹ đỡ đầu cho nhiều bệnh nhi bị bỏ rơi. Còn nhớ cách đây 4 tháng, bệnh viện tiếp nhận bé trai nặng 2,3kg là con chị N.C.K.H. ngụ huyện Hồng Ngự bị suy hô hấp, đa dị tật, có cục bướu lớn từ đầu xuống sau cổ. Mấy ngày đầu bà nội bé có ở bên ngoài chờ xem tình hình sức khỏe cháu mình, sau đó người nhà bé làm hồ sơ ẵm về, đến gần Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp thì bỏ bé bên lề đường, một người tốt bụng đi ngang thấy vậy đưa vào Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh. Suốt 4 tháng nay, sức khỏe bé đã bình phục nhưng không người thân nào quay lại nhận bé, cứ thế ngày này qua ngày khác, bé được sự chở che, chăm sóc ân cần từ các y, bác sĩ khoa.

“Chiếc áo trắng của người thầy thuốc tuyệt đối không thể để có một “vết đen” bám vào, chúng tôi luôn phấn đấu, làm công việc bằng cái tâm của mình để mãi giữ được lòng tin màu “áo trắng” trong ánh mắt mọi người”. Đây là tâm sự chân thành của bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Hồng Phúc, Trưởng Khoa Hồi sức nhi - sơ sinh khi nói về ngành y.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn