Điện khí hóa nông thôn - nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Cập nhật ngày: 07/05/2014 06:17:02

Sau 15 năm thực hiện Chương trình điện khí hoá nông thôn (1998-2013), công tác phát triển lưới điện ở Đồng Tháp đã có những bước tiến đáng kể, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo của địa phương.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, năm 1998, số hộ dân sử dụng điện của tỉnh đạt 65,15%, trong đó, số hộ nông thôn có điện đạt 43,89%. Mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, song bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của nhân dân, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đến cuối năm 2013, số hộ dân sử dụng điện của tỉnh là 482.700/483.200 hộ, đạt 99,89%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 394.000/394.400 hộ, đạt tỷ lệ 99,89%. Chất lượng điện đã nâng lên, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của khách hàng.

Nguồn và lưới điện được đầu tư xây dựng, cải tạo đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, các lưới điện 220kV, 110kV đã đầu tư cơ bản theo quy hoạch, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho tỉnh. Khối lượng các lưới điện tăng lên đáng kể, đáp ứng nhu cầu thực hiện mục tiêu điện khí hóa nông thôn.

Thực hiện Đề án cải tạo, phát triển lưới điện và sắp xếp mô hình quản lý lưới điện nông thôn, từ năm 2001 đến nay, việc tổ chức quản lý lưới điện nông thôn đã đi vào nề nếp, đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ điện.

Nhìn chung, việc đầu tư điện lưới quốc gia về nông thôn đã tạo những thay đổi lớn trong sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, do đặc điểm địa bàn nông thôn rộng lớn, dân cư phân bố rải rác nên chi phí đầu tư xây dựng công trình cấp điện đến từng hộ dân là rất lớn, dẫn đến vẫn còn một số xã tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện còn thấp, tập trung ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đến nay, tỉnh đã đạt tỷ lệ 100% số xã, phường thị trấn có điện lưới quốc gia, nhưng thực tế tại một số xã vẫn còn 500 hộ dân chưa có điện sử dụng và hơn 11.500 hộ dân đang sử dụng lưới điện hạ thế sau các điện kế dùng chung, chia hơi không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh có định hướng đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện hạ áp nông thôn để đảm bảo các tiêu chuẩn của tiêu chí số 4 về điện nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo Đề án cấp điện cho các khóm, ấp chưa có điện của tỉnh, giai đoạn 2011-2020 sẽ cải tạo nâng cấp 12.210 kVA trạm biến áp; cải tạo 8,6km, xây mới 341,1km đường dây trung thế; cải tạo, xây mới 803,7km đường dây hạ thế.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng nêu trên, bên cạnh nguồn lực của địa phương, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư lưới điện nông thôn theo cơ cấu và tỷ lệ phù hợp để thực hiện tốt mục tiêu điện khí hóa nông thôn. Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về điện nông thôn tại địa phương.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn