Đơn thân vượt khó

Cập nhật ngày: 01/07/2013 05:07:58

Rời Vĩnh Long lên Đồng Tháp lập nghiệp, tài sản quý giá nhất của vợ chồng chị Nguyễn Thị Bé Mười (ấp 4, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) là hai chiếc lưỡi hái cũ cắt lúa mướn nhiều năm. Trải qua những năm tháng gian nan, giờ đây chị Mười đã cất được ngôi nhà khang trang, kinh tế gia đình ổn định. Dù cuộc sống hiện nay có phần khá hơn nhưng chị vẫn chưa nguôi được nỗi đau trước sự ra đi đột ngột của chồng bởi cơn bệnh nhồi máu cơ tim.


Chị Nguyễn Thị Bé Mười bán tạp hóa tại nhà

Chị Mười cho biết, chị và chồng (anh Đặng Văn Phận) đều xuất thân từ gia đình nghèo, không đất canh tác, phải đi cắt lúa mướn để lo hai bữa cơm. Năm 1996, thấy nhiều người sang Đồng Tháp thuê đất làm có lời, vợ chồng chị quyết định rời quê sang Đồng Tháp lập nghiệp. Không tài sản, vợ chồng chị cùng đứa con 3 tuổi (bé Đặng Hoàng Khánh) theo đoàn người cắt lúa mướn dựng lều trên bờ kênh, rạch để ở và tiếp tục công việc cắt lúa mướn, dành dụm tiền thuê đất.

Thấy vợ chồng chị Mười siêng năng, chịu khó lại có con nhỏ nên người dân ở đây quý mến và cho mượn đất cất nhà ở đậu. Có được ngôi nhà che nắng, che mưa, vợ chồng chị cũng yên tâm. Ai thuê việc gì vợ chồng chị cũng làm. 3 năm đầu mưu sinh trên đất Đồng Tháp, làm không ngày nào ngơi tay nhưng thu nhập của anh, chị cũng chỉ đủ hai bữa cơm.

Năm 1999, vợ chồng chị được cấp sổ nghèo và vay được 8 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vợ chồng chị mua 2 con bò về nuôi, sau một năm, bán lời được 4 triệu đồng. Từ số tiền bán bò, vợ chồng chị thuê 15 công ruộng canh tác và nhờ học được những kinh nghiệm trồng lúa trong quá trình làm thuê nên ruộng của anh chị cho năng suất cao, trung bình mỗi mùa lời khoảng 10 triệu đồng.

Năm 2004, cuộc sống gia đình vẫn chưa ổn định, thì anh Phận đột ngột qua đời. Một mình chị Mười canh tác 15 công ruộng, vất vả trăm bề. Vậy mà cắt lúa nhà xong, chị quay sang cắt lúa mướn, qua mùa cắt lúa thì đi làm thuê. Vì làm việc quá sức nên không ít lần chị Mười ngất xỉu ngoài đồng, bà con trong xóm phát hiện đưa về. Em Hoàng Khánh mới 12 tuổi nhưng khi học xong là tranh thủ ra đồng giúp mẹ. Thấy gia đình khó khăn, mẹ quá vất vả, Khánh xin mẹ thôi học để đi học nghề sửa máy.

Một mình nỗ lực canh tác 15 công ruộng và tranh thủ làm thuê, đến năm 2011 được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, chị Mười cất được ngôi nhà khang trang với kinh phí gần 100 triệu đồng ở tuyến dân cư ấp 4, xã Hòa Bình. Hiện nay do sức khỏe không tốt như trước nên chị Mười chỉ còn thuê 10 công ruộng để canh tác, bù vào đó chị mở tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà bán cho bà con trong xóm và nhận may đồ để kiếm thêm thu nhập. Hoàng Khánh thì đi làm ở Sài Gòn với thu nhập hàng tháng khoảng 6 triệu đồng. Năm 2012, gia đình chị được công nhận thoát nghèo và hiện là một trong những hộ thoát nghèo bền vững ở xã.

Chị Mười tâm sự: “Lúc chồng mất, tôi rất hụt hẫng nên định trở về quê cũ nhưng vì con, vì tình cảm của bà con, tôi đã ở lại phấn đấu làm với tất cả nghị lực của người mẹ, người xa xứ và có được cuộc sống như ngày hôm nay”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn