Đồng Tháp sau 7 năm thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình

Cập nhật ngày: 04/02/2013 04:30:41

Tỉnh Đồng Tháp đã đạt nhiều thành tựu nổi bật sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

Nhận thức tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách về DS-KHHGĐ thông qua nhiều biện pháp như: lồng ghép việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên, chi, đảng bộ cơ sở hằng năm đưa vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khóm ấp, xã phường, thị trấn văn hóa; đưa chương trình giáo dục DS-KHHGĐ vào nội dung giảng dạy chính khóa ở các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh...

Song song đó, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ được quan tâm củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, ngoài lực lượng cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ là viên chức thuộc trạm y tế, còn có hơn 2.400 cộng tác viên DS-KHHGĐ trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 47, hệ thống cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ được củng cố, phát triển từ tỉnh đến xã. Từ đó, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho các nhóm đối tượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến tận người dân nhằm đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc, giảm tỷ lệ nạo, phá thai, nhất là đối tượng vị thành niên và thanh niên trẻ.

Thành quả nổi bật nhất sau quá trình thực hiện Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị khóa IX là chất lượng dân số của tỉnh ngày càng được nâng cao: Tỷ suất sinh thô, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3 và số con bình quân của một phụ nữ giảm; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai tăng; tỷ số giới tính khi sinh ở mức trong phạm vi cho phép (105,65 bé trai/100 bé gái); tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên từ 69 tuổi lên 73,2 tuổi; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là chăm sóc SKSS cho phụ nữ được quan tâm; tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm; trình độ dân trí và đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn gặp một số khó khăn như: tập quán sinh con có trai, có gái còn ảnh hưởng nặng trong một bộ phận dân cư; việc chọn sinh con vào các năm "tốt" theo quan niệm dân gian và tư tưởng sinh con trừ hao đề phòng rủi ro vẫn còn tồn tại; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi về công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế; đội ngũ cộng tác viên dân số còn thiếu và hạn chế về năng lực, kiến thức, kỹ năng truyền thông.

Để tiếp tục đẩy mạnh thức hiện chính sách DS-KHHGĐ theo Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị khóa IX trong những năm tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục về chính sách DS-KHHGĐ; tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục duy trì giảm mức sinh thấp, bền vững, tiến tới ổn định qui mô dân số ở mức hợp lý, tranh thủ thời cơ của cơ cấu dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân; xử lý nghiêm các bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ...

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn