Đợt truyền thông cao điểm nhân Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân

Cập nhật ngày: 15/05/2023 13:33:13

ĐTO - Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó chọn tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.


Buổi lễ ra quân ở huyện Lấp Vò

Năm 2023, Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân và truyền thông cao điểm phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) được thực hiện với chủ đề “Đồng hành cùng BHXH vì cuộc sống chất lượng hơn” nhằm truyền tải đến mọi người dân Việt Nam thông điệp “BHXH là trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội quốc gia, đem đến cho người dân quyền tiếp cận với các dịch vụ cơ bản của cuộc sống”.

Ý nghĩa của việc tham gia BHXH

Việc tham gia BHXH sẽ giúp người lao động (NLĐ) giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn, duy trì sự ổn định trong cuộc sống và trong nhiều trường hợp giúp NLĐ thoát nghèo. Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình tham gia BHXH sẽ giúp cho hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của đất nước ổn định, bền vững.

Đồng thời sự hài lòng của người tham gia sẽ củng cố vững chắc niềm tin, giúp người dân duy trì và tiếp tục tham gia và đồng hành cùng BHXH. Qua đó, giúp người dân cùng đồng hành và chia sẻ để có cuộc sống chất lượng hơn trong hiện tại và tương lai. Đây là cơ sở cho sự ổn định hệ thống BHXH và ASXH quốc gia góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính sách BHXH, BHYT là 2 chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống ASXH quốc gia. Chính sách BHXH, BHYT do Nhà nước tổ chức, thực hiện, hoạt động vì mục đích ASXH, không vì lợi nhuận nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, NLĐ; bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh (các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí...) và được khám chữa bệnh (KCB), hưởng quyền lợi các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc... do Quỹ BHYT chi trả, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hiện nay, chính sách BHXH được thực hiện với 2 loại hình: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với NLĐ mà cả với doanh nghiệp (DN). Ngoài giúp NLĐ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, chính sách BHXH còn trợ giúp NLĐ khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Với DN, việc NLĐ được tham gia chính sách BHXH, BHYT đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Mặt khác, thực tế nhiều DN khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia BHXH, BHYT cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được NLĐ vào làm việc.

Chung mục tiêu với BHXH bắt buộc để ngày càng có nhiều người được bảo đảm ASXH sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, giúp mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động.

Các hoạt động triển khai hưởng ứng Tháng BHXH toàn dân

Để các đợt truyền thông đạt hiệu quả cao, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại các nhóm chủ thể thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là NLĐ, người sử dụng lao động trong các DN, khu công nghiệp, khu chế xuất và nhóm chủ thể tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để có nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông trọng tâm, trọng điểm, sát với từng nhóm chủ thể, trong đó chú ý đến mức sống, mức thu nhập, hoàn cảnh của từng nhóm để có cách tiếp cận tuyên truyền phù hợp.

Nội dung truyền thông chú trọng về sự cần thiết, mục tiêu sửa đổi và những nội dung chính trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tạo sự đồng thuận trong quá trình sửa đổi Luật BHXH; sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của các chế độ BHXH; về ý nghĩa, kết quả thiết thực khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH; tuyên truyền về trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động NLĐ; truyền thông những tiện ích cho người dân, DN khi sử dụng dịch vụ công của ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT như: việc sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; truyền thông để người dân hiểu và thực hiện các nhiệm vụ của ngành triển khai theo Đề án 06; truyền thông, hướng dẫn người dân nhận các khoản chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân...

Tại tỉnh Đồng Tháp, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều hình thức truyền thông, kết hợp vận động người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đến mọi tầng lớp người dân. Đặc biệt là phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến NLĐ tự do trên địa bàn toàn tỉnh. Theo kế hoạch đề ra, trong năm 2023, toàn tỉnh phát động 4 đợt ra quân tập trung vào ngày thứ Bảy trong tuần của tháng 2, tháng 4, tháng 8 và tháng 11. Ngoài ra, những tháng còn lại, tùy vào sự sắp xếp của lãnh đạo UBND và BHXH huyện, thành phố bố trí các đợt ra quân cho phù hợp. Với hình thức ra quân trên, các “biệt đội” tuyên truyền được thành lập bao gồm cán bộ xã, phường (trưởng khóm, ấp), cộng tác viên thu, nhân viên tổ chức dịch vụ thu và nhân viên ngành BHXH sẽ đến từng hộ dân để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách và vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Kết quả đến hết quý 1/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc là 103.044 người; BHXH tự nguyện 20.820 người, bảo hiểm thất nghiệp 93.710 người; BHYT 1.417.860 người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,54% dân số.

Theo kế hoạch, đợt truyền thông cao điểm trong tháng 5 này, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục các đợt ra quân tuyên truyền rộng khắp trong toàn tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển được 25.510 người tham gia BHXH tự nguyện và 1.489.215 người tham gia BHYT.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn