Dự án Phù Sa - điểm tựa cho trẻ em và thanh thiếu niên nghèo

Cập nhật ngày: 18/12/2013 06:11:49

Đầu năm 2011, dưới sự tài trợ của Liên minh Châu Âu, UBND TP.Cao Lãnh triển khai Dự án hội nhập xã hội nghề nghiệp cho trẻ em (TE) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn (Dự án Phù Sa) với mục đích bảo vệ và thúc đẩy các quyền của TE, thanh tiếu niên (TTN) có nguy cơ. Sau 3 năm triển khai, Dự án đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm TE và TTN có hoàn cảnh khó khăn được học tập, làm việc ổn định cuộc sống.


Nhiều thanh, thiếu niên được Dự án Phù Sa giới thiệu học nghề
tại cơ sở uốn tóc Ngọc Ánh (phường 2, thành phố Cao Lãnh)

Việc tập hợp trẻ từ 6 - 20 tuổi với đủ mọi hoàn cảnh khác nhau: mồ côi, bán vé số, bán hàng rong, lang thang,... cùng vào sinh hoạt trong một tổ chức và hỗ trợ các em được học tập, học nghề, ổn định cuộc sống là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực và tận tâm của các cán bộ trong dự án, 3 năm qua, Dự án Phù Sa đã tiếp nhận 982 TE và TTN có nguy cơ ở khắp các xã, phường, lập hồ sơ và tiến hành nhiều dịch vụ hỗ trợ cho tất cả các em, với kinh phí trên 3 tỷ đồng (Liên minh Châu Âu 66%, còn lại do UBND thành phố đối ứng và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn tỉnh).

Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là chương trình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Trong quá trình hoạt động, dự án đã liên hệ được 88 cơ sở đào tạo nghề và 57 cơ sở tuyển dụng có nhu cầu nhận TTN của dự án vào dạy nghề và làm việc. Qua đó, dự án đã hỗ trợ xin việc cho 114 em với mức thu nhập từ 800.000 - 3.400.000 đồng/tháng; hỗ trợ cho 107 em học nghề, trong đó có 50 em đã ra nghề và có việc làm ổn định. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực, giúp các em có được “chiếc cần câu” để mưu sinh và tạo dựng tương lai. Em Nguyễn Thị Bé Ngoan (ấp 2, xã Mỹ Trà) vì gia đình khó khăn: mẹ bệnh tim, ba làm phụ hồ, thu nhập không trang trải nổi chi phí gia đình nên chưa học hết lớp 7 em phải nghỉ học để đan lục bình phụ ba kiếm tiền trị bệnh cho mẹ và trang trải cuộc sống.

Trước khó khăn của em, dự án đã hỗ trợ cho em học nghề tại cơ sở uốn tóc Ngọc Ánh (phường 2, thành phố Cao Lãnh). Được học nghề mà mình yêu thích, Bé Ngoan xúc động chia sẻ: “Em rất yêu thích và ước mơ được học nghề uốn tóc và nghĩ ước mơ đó sẽ không bao giờ thực hiện được bởi gia đình quá khó khăn. Được sự hỗ trợ của Dự án Phù Sa, ước mơ của em đã thành sự thật. Em rất vui và cám ơn anh chị trong Ban dự án rất nhiều. Em sẽ cố gắng học tốt để ra nghề làm việc nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình”.

Dự án Phù Sa còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trẻ tiếp cận giáo dục như: hỗ trợ học phí, dụng cụ học tập, quần áo, học bổng,... với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Dự án còn cung cấp cho các em những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ xâm hại, bạo hành, bị lây nhiễm HIV thông qua các lớp tập huấn kỹ năng sống; kết hợp với phòng y tế các trường Tiểu học tổ chức khám bệnh cho trẻ, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho 479 em có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 450 triệu đồng. Đặc biệt, dự án còn giúp các em làm giấy tờ tùy thân nhằm đảm bảo quyền công nhân của các em, tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong cuộc sống và làm việc. Từ sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu, các tổ chức, cá nhân, các tình nguyện viên và gia đình trẻ đã tạo nhiều hoạt động vui chơi, giải trí tạo sân chơi lành mạnh cho các em.

Cuộc sống muôn mặt, những TE có hoàn cảnh khó khăn rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp và của mọi người, bởi lẽ các em luôn mong đợi có một cơ hội để thay đổi cuộc sống, vươn lên và vượt qua số phận. Hy vọng thời gian tới, Dự án Phù Sa sẽ tiếp tục hoạt động tốt, giúp đỡ nhiều hơn nữa các em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các dịch vụ xã hội.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn