Gặp gỡ các gia đình chính sách vượt khó nuôi con thành đạt

Cập nhật ngày: 01/08/2012 04:49:27

Được sự giới thiệu của lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Cao Lãnh, trong những ngày tháng 7, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông Võ Minh Khương (SN 1961) thương binh 2/4 ở ấp 1, xã Mỹ Tân. Căn nhà cấp 4 khang trang đầy đủ tiện nghi nằm dọc quốc lộ 30 là thành quả bao nhiêu năm gia đình dành dụm từ nghề sửa chữa điện tử.

Khi hỏi về những năm tháng kháng chiến và nuôi con ăn học, ông không khỏi bồi hồi kể lại. Tháng 2-1982, ông lên đường nhập ngũ, đến năm 1985 bị thương tại chiến trường biên giới Tây Nam. Khi trở về mang thương tật 63%, không nghề nghiệp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm vượt qua nghèo khó, ông mượn tiền của họ hàng lên quận Thủ Đức - TP.HCM học lớp trung cấp điện tử. Sau hai năm, ông về quê thuê nhà gần cầu Kinh Cụt, ấp 1, xã Mỹ Tân mở tiệm sửa chữa điện tử. Đến năm 1989 lập gia đình, năm 1990 sinh đứa con trai đầu lòng, 5 năm sau sinh thêm đứa nữa, những năm đó cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Ông Khương xác định, dù khó khăn đến mấy, khổ cực đến mấy cũng cố gắng lo cho con học hành đến nơi, đến chốn.

Thế là không kể ngày hay đêm ông miệt mài sửa chữa máy móc để sớm giao hàng cho khách lấy tiền nuôi con ăn học và tiết kiệm trong chi tiêu, ăn uống hàng ngày. Thấy cha mẹ vất vả, hai người con của ông chăm ngoan được bà con xung quanh, thầy cô và bạn bè quý mến, liên tục từ Tiểu học đến THPT đều đạt học sinh xuất sắc, học sinh giỏi. Hiện người con lớn đang học Đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên ngành điện tử, đang làm luận án tốt nghiệp ra trường, đứa nhỏ chuẩn bị vào lớp 11 trường THPT TP.Cao Lãnh. Ghi nhận công lao của ông Võ Minh Khương, năm 1999 ông vinh dự được ra Hà Nội dự hội nghị Lao động - Thương binh Xã hội toàn quốc, năm 2002 được Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen và UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích này.

Ông Nguyễn Trung Thành (SN 1950) ở ấp Đông Bình, xã Hòa An. Theo ông Thành, năm 1968 ông nhập ngũ, được chọn vào huấn luyện tại binh chủng Đặc công ở phía Bắc. Năm 1970 trong một lần chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên Huế ông bị thương nặng ở chân và đầu. Ngày hòa bình lập lại ông là sỹ quan quân đội, công tác ở Quân đội Nhân dân Việt Nam được vài năm, ông lập gia đình và về sống ở ấp Đông Bình, xã Hòa An. Xứ lạ quê người, không nghề nghiệp, ông làm nghề sửa xe đạp kiếm sống, vợ thì mua bán nhỏ, nấu rượu, chăn nuôi vẫn không đủ sống, ông bán thêm phụ tùng xe đạp, honda và học thêm nghề sơn xe honda. Bằng ấy công việc mới nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Con trai lớn tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM hiện là kiến trúc sư Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đồng Tháp, con gái tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM hiện công tác tại Cục thuế Đồng Tháp.

Ông Lê Trung Sơn (SN 1937) tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, mất sức lao động 81% và vợ là bà Phạm Bạch Tuyết (SN 1948) thương binh 1/4 ở tổ 9, khóm 1 - phường 2. Những năm 1975-1980, với đồng lương công nhân viên của ông Sơn không đủ sống, bà Tuyết phải làm kẹo đậu phộng, bán nước đá lẻ, rồi làm kem và nhiều nghề khác để lo con ăn học. Biết ơn cha mẹ, các con ông bà chăm ngoan học giỏi. Lê Thị Bạch Tuyết Quyên ba năm học THPT đều là học sinh xuất sắc, nhất lớp, nhất khối, giải học sinh giỏi tiếng Anh toàn quốc, được UBND tỉnh tặng Bằng khen, thi đỗ trường Đại học Y dược TP.HCM, hiện nay là thạc sĩ Dược khoa đang công tác tại TP.HCM. Con trai là Lê Trung Nghĩa cũng đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia được UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội tặng Bằng khen. Hiện Trung Nghĩa công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, đang làm luận án tốt nghiệp lớp Cao học.

Và còn rất nhiều tấm gương gia đình chính sách đã vượt qua nỗi đau thương, mất mác do chiến tranh để phấn đấu nuôi dạy con thành đạt, chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt gia đình văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới được xã hội công nhận, biểu dương.

Phương Nga

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn