Giáo dục, giúp đỡ hộ nghèo loại 3 thoát nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 25/12/2013 05:06:31

Vĩnh Thạnh là xã đầu tiên ở Lấp Vò triển khai thí điểm mô hình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Công an trong việc giáo dục, giúp đỡ những hộ nghèo do lười lao động, thường vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (hộ nghèo loại 3) thoát nghèo bền vững. Sau 3 năm thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực.


Ngoài buôn bán nhỏ ở chợ, chị Lan còn nuôi vịt để tăng thêm
thu nhập cho gia đình

Để nắm bắt thông tin, tìm giải pháp vận động hộ nghèo loại 3 vươn lên thoát nghèo, đầu năm 2011, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp Công an xã tham mưu Đảng ủy xây dựng kế hoạch liên tịch về việc tuyên truyền vận động, giáo dục, hướng dẫn giúp đỡ hộ nghèo loại 3 thoát nghèo bền vững. Qua đó, Đảng ủy xã tiến hành hội nghị trong nội bộ Đảng phân công các ban, ngành, đoàn thể xã, ấp cùng nhau tổ chức thực hiện.

Trước tiên, Ban xóa đói giảm nghèo cùng Công an xã tiến hành rà soát, lập danh sách hộ nghèo loại 3 trên địa bàn, đồng thời đánh giá, phân loại thành 3 dạng nhỏ để tiện tuyên truyền vận động. Dạng 1: lười lao động, rượu chè, thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn; dạng 2: vi phạm trật tự xã hội, tệ nạn xã hội, chậm tiến, chưa chịu khó trong lao động; dạng 3: không muốn thoát nghèo, thường xuyên vi phạm tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Sau đó, Đảng ủy, UBND xã tiến hành phân công các tổ chức đoàn thể xã, ấp và chi ủy, chi bộ, Ban nhân dân các ấp xuống khảo sát từng hộ nghèo loại 3 để nắm rõ thực trạng, đồng thời tuyên truyền, giáo dục, vận động, giúp đỡ họ.

Cán bộ, đảng viên được phân công kèm cập các hộ nghèo phối hợp với lực lượng Công an giáo dục, giải thích, động viên hộ nghèo thay đổi thái độ, nhận thức, ký cam kết khắc phục những hạn chế, yếu kém, sau đó phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ vốn, dạy nghề, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp họ định hướng làm ăn vươn lên thoát nghèo.

Những giải pháp thiết thực cùng sự năng nổ, nhiệt tình của các cán bộ, đảng viên trong công tác vận động, tuyên truyền mô hình đã giúp nhiều hộ nghèo loại 3 ở Vĩnh Thạnh nâng cao nhận thức và chủ động làm ăn cải thiện cuộc sống. Cụ thể, năm 2011 xã có 74 hộ nghèo loại 3, đến năm 2012 còn 54 hộ và hiện nay chỉ còn 6 hộ. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở ấp Nhơn Quới, có 5 nhân khẩu (hai vợ chồng và 3 đứa con). Trước đây, gia đình chị có 4 công ruộng nhưng phải lo cho 3 con ăn học, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, từ đó nợ nần túng thiếu ngày càng nhiều, gia đình chị phải bán hết số ruộng để trả nợ, số vốn còn lại định mua bò về nuôi nhưng cũng không cải thiện được kinh tế gia đình. Từ đó, chồng chị thường xuyên uống rượu, cờ bạc, số đề với hy vọng sẽ trúng số đổi đời. Chị thì bươn chải mua hàng rẫy bán tại chợ xã lo cho các con ăn học, nhưng có đồng nào thì chồng chị đều mua số đề và rượu. Được địa phương giúp đỡ, tuyên truyền vận động chồng chị đã từ bỏ tệ nạn, chí thú làm ăn, các con chị được học đại học ra trường và có việc làm ổn định, thu nhập gia đình hiện tại khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Lan chia sẻ: “Tôi thật sự vui mừng và cám ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vượt khó, hỗ trợ xây nhà để tôi an tâm lao động, sản xuất, giúp chồng tôi nhận thức được chỉ có chí thú làm ăn, tự thân phấn đấu mới thoát được nghèo khó. Điều đáng mừng nhất là chồng tôi lo làm ăn, gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế gia đình được ổn định”.

Ông Võ Văn Mười - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: “Mô hình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực không những góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy mô hình, vận động, giúp đỡ những hộ còn lại thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn