HUYỆN HỒNG NGỰ

Hiệu quả 20 năm thực hiện chính sách tín dụng cho hộ nghèo, đối tượng chính sách

Cập nhật ngày: 20/09/2022 09:38:58

ĐTO - Trong 20 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách ở huyện Hồng Ngự đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững. Chính sách tín dụng ưu đãi được xem là giải pháp lâu dài để Huyện ủy, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng biên.


Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hồng Ngự tổ chức giải ngân vốn cho người dân

Huyện ủy, UBND huyện đã bám sát nội dung tinh thần Nghị định số 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời vận dụng linh hoạt, phù hợp đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành đòn bẩy góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng nhờ chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp cho huyện từ địa phương khó khăn vươn lên đạt tốp đầu trong tỉnh về công tác giảm nghèo.

Ông Huỳnh Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ, hằng năm, UBND huyện tham mưu cho Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc, Đảng ủy các xã, thị trấn để tập trung hơn với công tác tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện tập trung chỉ đạo nâng cao nguồn vốn tín dụng, đảm bảo chất lượng tín dụng hằng năm”.

Trong 20 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện lấy phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” làm kim chỉ nam trong suốt quá trình hoạt động. Ông Hà Xuân Bảo - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hồng Ngự cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, khi triển khai chương trình tín dụng chính sách có sự phối hợp hết sức trách nhiệm của các cấp, các ngành để kịp thời giải ngân vốn cho người dân đưa vào sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả rất tốt”.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như các Hội: Liên hiệp Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cũng như hợp đồng ủy nhiệm với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện thành lập 10 Điểm giao dịch của NHCSXH tại 10 xã, thị trấn và 284 Tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động tại 41 khóm, ấp với 15 chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai.

Từ nguồn vốn 50 triệu đồng vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện vào năm 2021, ông Lê Văn Vững ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự đã phát triển diện tích nuôi lươn ban đầu từ vài bồn xi măng lên hơn 20 bồn xi măng lươn thương phẩm và sinh sản lươn giống. Mô hình của ông thực hiện phù hợp với địa phương đầu nguồn sông Tiền và nhờ tận dụng nguồn thức ăn cua, ốc trong tự nhiên nên việc nuôi lươn giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận sau thu hoạch. Ông Vững phấn khởi bộc bạch: “Tôi được chính quyền địa phương giới thiệu cho vay vốn chính sách ưu đãi nên có điều kiện mở rộng bồn xi măng nuôi lươn. Tôi rất mừng khi được vay vốn để có điều kiện phát triển kinh tế và thoát nghèo”.


Ông Lê Văn Vững ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự vay vốn thực hiện mô hình nuôi lươn trong bồn xi măng

Bên cạnh cho vay vốn chăn nuôi, Phòng giao dịch NHCSXH huyện còn quan tâm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các mô hình nghề ở nông thôn như: may công nghiệp, đan ghế nhựa, đan giỏ xách nhựa... Từ nguồn vốn vay vài chục triệu đồng, các chị đã đầu tư mua trang thiết bị phục vụ sản xuất. Với sự hỗ trợ của máy móc, năng suất lao động tăng lên đáng kể, giúp nhiều hộ dân phấn khởi sản xuất. Chị Nguyễn Thị Huệ ngụ thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự chia sẻ: “Tôi rất mừng vì được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay vốn để mua máy móc làm nghề. Khi được đầu tư máy móc, tôi có thể tự làm, khỏi phải thuê các khâu khác, đỡ phải tốn chi phí phát sinh”.

Tổ liên kết may gia công thị trấn Thường Thới Tiền là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả chính sách vay tín dụng. Việc trả nợ vay đúng hạn của các thành viên cũng góp phần nâng cao hiệu quả xoay vòng các nguồn vốn từ chương trình tín dụng. Chị Nguyễn Thị Lương - Tổ trưởng Tổ liên kết may gia công thị trấn Thường Thới Tiền cho biết: “Các chị trong tổ có nhu cầu vay vốn nên xin địa phương hỗ trợ cho vay để mở rộng sản xuất như: mua vải, mua máy, dụng cụ... Nhiều chị em thấy tổ hoạt động có hiệu quả vì được vay vốn hỗ trợ sản xuất nên tham gia vào tổ ngày càng đông hơn. Các chị được vay vốn đều cố gắng trả nợ xong để ngân hàng tiếp tục cho người khác vay, để nhiều người có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Có thể thấy, chính sách tín dụng ưu đãi trở thành “trụ cột” trong công tác giảm nghèo của huyện Hồng Ngự trong suốt thời gian qua. Đây còn là tiền đề để địa phương tiếp tục phấn đấu thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách trong thời gian tới.

Qua 20 năm hoạt động và phát triển, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hồng Ngự đã tập trung mọi nguồn lực tín dụng để cho 60.464 hộ nghèo được vay vốn và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt gần 995 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 543 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp cho trên 12.876 hộ thoát nghèo (thống kê giai đoạn 2002-2021); đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,36%.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn