Kỹ sư Bùi Trúc Phương và những việc làm thiện nguyện

Cập nhật ngày: 23/01/2013 05:12:20

Kỹ sư Bùi Trúc Phương (sinh năm 1978) tại thị xã Hồng Ngự luôn đồng cảm và chia sẻ khó khăn với người nghèo. Anh được người dân địa phương biết đến bởi lối sống nhân hậu, chan hòa hiếm có khi anh nhận ông Huỳnh Văn Giống (Tám Giống), người làm nghề chạy xe lôi đạp nghèo làm cha nuôi.


Kỹ sư Bùi Trúc Phương tại điểm viết thư pháp

Để rồi bằng tình thương của đứa con nuôi hiếu nghĩa, ông Tám Giống trở thành thành viên tích cực của nhóm từ thiện y, bác sĩ thị xã Hồng Ngự (nay là chi hội từ thiện Phước Huệ) thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo thị xã Hồng Ngự.

Lúc nhỏ, gia đình nghèo, cha mẹ nhọc nhằn, lam lũ. Mẹ anh mỗi ngày gồng gánh trên vai gánh bánh canh nuôi bảy người con ăn học. Vì vất vả mưu sinh nên lâm bệnh ngặt, căn bệnh tim làm mẹ anh quanh năm phải thường trú trong bệnh viện. Cha thường đau yếu nên cũng sớm qua đời. Căn nhà lá xiêu nghiêng bên bờ sông Tiền của gia đình cứ như muốn đổ sập trước mỗi cơn gió lớn.

Thấu hiểu cảnh nghèo, anh bền chí học tập, theo đuổi ngành xây dựng ở Trường Cao đẳng Xây dựng 2 (Thủ Đức, TP.HCM) rồi sau đó học tiếp Đại học Giao thông Vận tải. Tự xoay sở kiếm tiền ăn học, anh thuê một công đất bỏ hoang ở gần trường, tranh thủ ngày nghỉ dọn cỏ rác và trồng rau muống. Mỗi ngày thức dậy lúc 3 giờ sáng cắt rau, bó lại ngồi bán lẻ. Đến sáng đi học thì bỏ mối lại cho bạn hàng. Nghỉ hè hằng năm, anh về tiếp mẹ đi giũ rơm mót lúa và làm thuê mướn. Trong giới sinh viên tỉnh lẻ ngày ấy, anh được biết đến với biệt danh: Phương rau muống để hơn 10 năm sau (năm 2000), anh trở thành kỹ sư xây dựng.

Là thành viên năng nổ của Chi hội Từ thiện Phước Huệ từ ngày đầu mới thành lập, kỹ sư Phương đảm trách phần hành chánh soạn thảo công văn, thông báo, in ấn, văn thư và đi khảo sát tình hình bệnh nhân nghèo. Góp tiền vào quỹ hoạt động của chi hội, đồng thời tận dụng xe tải nhà để vận chuyển gạo, nhu yếu phẩm, thuốc men đến những điểm khám bệnh từ thiện định kỳ. Dù bận rộn công việc mưu sinh (tư vấn, hợp đồng thầu xây dựng), nhưng anh dành ngày chủ nhật và tranh thủ thời gian rảnh để làm việc thiện.

Mùa lũ năm 2011, cùng với lực lượng cứu hộ của chính quyền địa phương, anh đóng vai trò đắc lực trong việc vận chuyển cừ tràm, bạch đàn cho công trình gia cố các tuyến đê bao chống lũ. Ông Tám Giống cho biết, gần một tháng bám trụ cùng anh em lao động ăn ngủ trên đê, khi lũ rút, anh về nhà với thân hình gầy còm đen đúa. Ngoài ra, khi hay các chùa chiền chuẩn bị xây dựng, anh lại tranh thủ vẽ bản vẽ cúng dường giúp nhà chùa đỡ tốn chi phí.

Đặc biệt, Tết Nhâm Thìn 2012, anh tổ chức viết thư pháp tại hội Hoa Xuân, chợ thị xã Hồng Ngự bán được 13 triệu đồng, toàn bộ tiền bán thư pháp được sung vào quỹ của Chi hội Từ thiện Phước Huệ. Tận tình với những việc làm công ích thầm lặng, kỹ sư Bùi Trúc Phương là nhân chứng tình người ở vùng xa biên giới.

Thanh Tuyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn