Lấp Vò - Hiện tại và tương lai...

Cập nhật ngày: 10/02/2014 05:15:51

Năm qua có thể nói, chưa một địa phương nào trên đất Việt Nam này lại được dịp may mắn gần như cùng một lúc khởi công xây dựng hai chiếc cầu tầm cỡ thế kỉ ngay trên mảnh đất quê mình như huyện Lấp Vò, Đồng Tháp: cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Niềm vinh dự, sự vui sướng và nỗi tự hào dường như vỡ òa trên đất đai, con người xứ sở. Là người dân Lấp Vò, chắc chắn không ai không lâng lâng một cảm xúc khó tả về sự kiện có thể coi là độc nhất vô nhị này...

Đương nhiên, hai chiếc cầu này là công trình kinh tế - văn hóa tầm quốc gia, vùng, nối liền các quốc lộ 80, quốc lộ 54, liên tỉnh lộ 848 và nhiều huyết mạch giao thông khác. Cùng với cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, hai chiếc cầu này sẽ giúp cả đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội tốt hơn để cất cánh cùng đất nước. Cả nước, cả đồng bằng sông Cửu Long, cả tỉnh Đồng Tháp khấp khởi... nhưng trực tiếp chịu tác động tích cực nhất không nơi nào khác ngoài huyện Lấp Vò - miền đất dành hai bờ sông thân yêu của mình cho hai chiếc cầu hoành tráng gối nhịp.

Tác động trực tiếp tích cực đầu tiên chính là về phương diện tinh thần cộng đồng. Không thể không nhận ra niềm hân hoan ánh lên trong mắt người dân Lấp Vò trong những ngày khởi công xây dựng hai chiếc cầu. Một khi con người long lanh một niềm vui và niềm tin nào đó vào cuộc sống, chắc chắn người ta sẽ có thể chung tay làm nên những điều kì diệu. Vai trò của nhân dân với niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thắng lợi là quá rõ. Đó chính là liệu pháp tinh thần quan trọng mà Lấp Vò có được để vươn lên một cách mạnh mẽ từ đây.

Thứ hai là sự tác động tích cực đến kinh tế của huyện nhà, ngay khi hai chiếc cầu khởi công và nhất là khi khánh thành đưa vào sử dụng. Một khi hai chiếc cầu Vàm Cống và Cao Lãnh nối nhịp qua sông Hậu, sông Tiền, các cụm công nghiệp Vàm Cống, Cồn Quạ (xã Định Yên) và tuyến công nghiệp Bắc sông Xáng (xã Bình Thạnh Trung)... của huyện Lấp Vò chắc chắn sẽ lấp đầy mặt bằng và nhộn nhịp hoạt động bởi nhiều nhà sản xuất trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Một khi hai chiếc cầu Vàm Cống và Cao Lãnh khánh thành, thương hiệu chiếu Định Yên vốn đã rất nổi tiếng của Lấp Vò chắc chắn sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, cũng như các hoạt động thương mại - dịch vụ của huyện nhà sẽ có cơ hội tốt nhất để phát triển, tương xứng với tiềm năng dồi dào của một miền quê với nhiều sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp có giá trị. Với hai chiếc cầu này, cũng như toàn bộ hệ thống giao thông của huyện nhà phát triển sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi cho nông nghiệp Lấp Vò vươn mình khởi sắc trong xu thế công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thứ ba là sự tác động tích cực đến mọi lĩnh vực, phương diện xã hội - cộng đồng, nhất là các mặt văn hóa, giáo dục, y tế... khi đứng bất cứ địa điểm nào của huyện Lấp Vò cũng có thể nhìn ngắm được vóc dáng lồng lộng của hai chiếc cầu dây văng hiện đại: Vàm Cống và Cao Lãnh. Đó là hình ảnh tân tiến của sự phát triển, thể hiện sinh động tinh thần kết hợp hiện đại và truyền thống trong động lực và nhịp bước đi lên của huyện nhà.

Một điều nữa, giản dị thôi nhưng không thể không thấy, đó là sự tác động tích cực đến cuộc sống thường nhật của mỗi người dân trên mảnh đất Lấp Vò (và cả người dân những vùng miền lân cận). Từ đây, sự đi lại của bà con sẽ giảm nhọc nhằn, bớt truân chuyên hơn. Việc giao lưu làm ăn, trao đổi hay thăm thú giữa người dân của nhiều miền đất sẽ diễn ra nhanh hơn, tiết kiệm hơn và an toàn hơn khi qua sông không còn phải lụy... phà.

Điểm qua như trên để thấy một niềm vui hiện hữu, mãnh liệt đang dâng lên trong lòng mỗi người dân Lấp Vò nói riêng, tỉnh Đồng Tháp, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đó là một niềm vui lớn, xét ở phương diện vật thể, từ đây đang hiển hiện từng ngày trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lấp Vò.

Về phương diện phi vật thể cũng đã có một niềm vui lớn khác đến với Lấp Vò, ngày 10/9/2013, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống ở Định Yên tự hào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Niềm tự hào này của người dân huyện Lấp Vò là hoàn toàn chính đáng và chắc chắn đây cũng là một trong những khởi nguồn mãnh liệt, tạo nên một không khí xã hội phấn chấn, tự tin, trong lành để chung sức xây dựng quê hương phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong hiện tại và tương lai. Tài sản để lại của cha ông từ trăm năm nay là làng nghề dệt chiếu Định Yên không còn thuần túy là một vùng đất sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm cùng thu nhập giúp thoát nghèo, mà hơn thế, nó mãi mãi trở thành một điểm đến về phương diện văn hóa, du lịch và tâm linh, giúp người đời sau ngưỡng vọng. Vì thế đòi hỏi một tầm nhìn xa rộng và sự đồng thuận sâu sắc trong việc gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với công việc bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa tốt đẹp nơi làng nghề dệt chiếu Định Yên.

Nếu coi việc khởi công xây dựng hai chiếc cầu Vàm Cống và Cao Lãnh hoành tráng tầm vóc thời đại thì việc làng nghề dệt chiếu Định Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đậm đà sắc thái truyền thống. Cả hai sự kiện hòa quyện trong một cảm hứng khát khao, tự hào và một tinh thần phấn chấn, tự tin, khiến mảnh đất Lấp Vò bừng tỉnh, vươn mình khởi sắc.

Tao Đàn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn