Lòng nhân đạo và hoạt động xã hội, từ thiện

Cập nhật ngày: 28/08/2022 16:59:05

ĐTO - Ngày 5/7/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41 về Hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện, là sự cụ thể hóa một trong những nội dung của các Luật, Nghị định về những hoạt động này.

Các hoạt động xã hội, từ thiện là một trong những biểu hiện của lòng nhân đạo, mang tính đạo đức, thể hiện tình thương yêu, nhân ái, quý trọng giá trị, phẩm chất của con người một cách vô tư, là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta, được khái quát bằng những câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”...

Thời chiến tranh, người dân sẵn sàng rộng cửa đón nhận, giúp đỡ tận tình từ ăn uống hàng ngày đến việc làm đối với đồng bào từ vùng chiến sự tản cư để tránh bom rơi đạn lạc.

Chục năm trở về trước, những người lỡ đường hoặc bị trộm cướp mất hết tài sản trên đường đi, khi gõ cửa bất kỳ nhà nào, hầu hết chủ nhà cho ngủ qua đêm hoặc hỗ trợ tiền bạc về quê. Khi gặp người ăn xin, không ít người sẵn sàng bố thí.

Nhân dân ta dù nghèo hay giàu luôn tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, của chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội... ủng hộ tiền bạc, vật chất khi đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn.

Những căn nhà “Mái ấm tình thương”; những chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Cặp lá yêu thương”... đã và đang tạo thêm động lực cho những gia đình, những học sinh gặp khó khăn trong cuộc sống, học tập...

Nhưng hiện nay, có bao nhiêu người dám cho qua đêm những người lỡ đường, hỗ trợ những người bị trộm cướp dọc đường hay bố thí cho người ăn xin, dù lý do của họ là sự thật?

Vì sao những người ủng hộ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn... trực tiếp hoặc thông qua những người họ tin tưởng tặng tiền, quà mà không dựa vào danh sách do địa phương cung cấp?

Bởi đã từng xảy ra trộm, cướp ngay trong căn nhà đang cưu mang mình.

Dựng chuyện bị trộm cướp để xin giúp đỡ, giả tật nguyền đi xin ăn không phải hiếm gặp cả ở thành thị và nông thôn, những nơi công cộng, lễ hội...

Có người mạo danh Hội Chữ thập đỏ, Hội Người mù, Người khuyết tật bán tăm xỉa răng, bán nhang... với giá cao gấp hàng chục lần mặt bằng chung.

Có người ngồi xuồng máy, đeo trang sức, áo quần chỉn chu khiếu nại với đoàn cứu trợ khi không có tên trong danh sách...

Có thể nói, những thiểu số này đã lợi dụng lòng nhân đạo của người khác, tự đánh mất phẩm giá của mình vì lợi ích bản thân, ảnh hưởng đến những người thật sự khó khăn, cơ nhỡ. Họ đã làm cho xã hội không còn biết đâu là thật - giả.

Một vài tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, có trách nhiệm vô tình hoặc cố ý phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng đối tượng, tư túi cá nhân, sử dụng vào mục đích khác.

Một số cá nhân khi được ủy quyền nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ của người khác chưa công khai, minh bạch.

Dân ta có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Có người làm xã hội, từ thiện như là sự ban phát ân huệ của bề trên, làm tổn thương lòng tự trọng của tổ chức hoặc cá nhân cần giúp đỡ; hệ quả là tiền bạc, hàng hóa hỗ trợ không đến được nơi cần đến.

Những việc làm như vậy đã gây ra sự nghi ngờ, nản lòng những người muốn đóng góp ít nhiều để cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vượt qua hoạn nạn.

Những thiểu số lợi dụng lòng nhân đạo hoặc làm xã hội, từ thiện không minh bạch như “con sâu làm rầu nồi canh”, làm dư luận không ít lần dậy sóng, Nhà nước phải can thiệp.

Trong một xã hội, hành động của mỗi người được đánh giá bằng những chuẩn mực đạo đức; trong một nhà nước pháp quyền, mọi hành vi của tổ chức, công dân đều phải được pháp luật điều chỉnh.

Nếu mọi người trân trọng phẩm giá bản thân, không lợi dụng lòng nhân đạo của người khác; tổ chức, cá nhân làm xã hội, từ thiện bằng cái tâm trong sáng, không vụ lợi thì chắc rằng các hoạt động này sẽ ngày càng có nhiều người tham gia, lòng nhân đạo không bị dần dần chai sạn; Nhà nước không phải can thiệp vào một trong những truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc ta.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn