Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường chợ nông thôn

Cập nhật ngày: 16/08/2013 06:18:27

Những năm gần đây, mạng lưới chợ nông thôn đã được tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng. Song song đó, tỉnh cũng từng bước triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở hệ thống mạng lưới chợ này.


Tiểu thương tại chợ Rạch Chanh thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 200 chợ các loại hoạt động kinh doanh với nhiều hình thức khác nhau. Trong lĩnh vực thương mại, việc quản lý và xử lý các chất thải rắn tại các chợ còn hạn chế, điều kiện trang thiết bị, vật chất kỹ thuật chưa đầy đủ cần phải được đầu tư mới và bổ sung cho công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng theo đà phát triển chung. Chính vì thế, để xây dựng không gian mua bán văn minh lịch sự tại các chợ, công tác quản lý bảo vệ môi trường là một trong những điều kiện cấp thiết cần triển khai thực hiện.

Chợ Rạch Chanh thuộc ấp 3, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh là chợ nông thôn đầu tiên trong tỉnh được Sở Công Thương chọn thực hiện thí điểm mô hình quản lý bảo vệ môi trường chợ nông thôn năm 2013. Mỹ Trà là một xã điểm của tỉnh thực hiện xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Ngoài bảo vệ môi trường, năm 2008 chợ Rạch Chanh được đầu tư cải tạo và nâng cấp, có tổng diện tích 3.200m2. Trong đó, nhà lồng chợ diện tích 1.047m2, còn lại là khu tự sản tự tiêu, hàng gia cầm, hàng cá và hệ thống nhà vệ sinh. Hiện chợ có trên 147 quầy hàng hóa nằm trong nhà lồng chợ và 10 quầy hàng nằm bên ngoài.

Trước đây, lượng chất thải rắn (vô cơ và hữu cơ) phát sinh từ các hoạt động giao thương tại chợ được lưu chứa lẫn lộn tập trung vào 9 thùng rác đặt tại khu vực chợ. Các thùng chứa rác phần lớn được chắp vá và nằm trong tình trạng quá tải. Vấn đề rác thải gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân sinh sống xung quanh chợ với tổng lượng rác phát sinh hàng ngày gần 1 tấn rác thải.

Từ kế hoạch mô hình quản lý bảo vệ môi trường chợ nông thôn của Sở Công Thương, Ban quản lý chợ đã chú trọng công tác tuyên truyền đến các tiểu thương giúp khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, có trên 260 hộ dân tham gia. Song song đó, Sở Công Thương cũng thực hiện đầu tư thêm các trang thiết bị chứa rác, xây dựng nhà tập kết rác kích thước 4x2m, trang bị thêm các bảng qui ước bảo vệ môi trường đặt trong khu vực chợ. Sau thời gian thực hiện thí điểm mô hình bảo vệ môi trường, đã có hơn 80-90% tiểu thương đồng tình hưởng ứng việc phân loại rác thải, hình thành ý thức tốt về phân loại rác tại nguồn, số lượng các hộ phân loại tốt chiếm 86%. Qua đó góp phần thuận tiện cho việc thu hồi và tái chế sử dụng, từng bước đưa công tác quản lý bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu. Từ môi trường sạch đẹp, lượng khách hàng đến mua sắm ngày một đông hơn, mức tiêu thụ hàng hóa tăng nhanh.

Chị Dương Thị Kim Chi - tiểu thương kinh doanh tại chợ Rạch Chanh, phấn khởi chia sẻ: “Cá nhân tôi và các tiểu thương ở đây đều đồng tình ủng hộ việc quản lý bảo vệ môi trường tại chợ. Từ mô hình này mình còn có thể tận dụng triệt để những rác thải hữu cơ có thể tái sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, góp phần tăng thêm thu nhập và làm giảm đáng kể lượng rác thải.”

Cùng với đó, các tiểu thương tại chợ Rạch Chanh thực hiện tốt các đề án trong xây dựng chợ văn minh năm 2012 gồm: khu vực kinh doanh sạch đẹp thông thoáng, có bảng niêm yết giá rõ ràng, cách giao tiếp thân thiện, có nơi để rác đúng qui định...

Theo ông Võ Quan Đệ - Trưởng phòng An toàn môi trường -Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp: Tổng kinh phí cho việc thực hiện mô hình là hơn 56 triệu đồng. Từ sự thành công bước đầu từ mô hình thí điểm, sắp tới Sở Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình đến các chợ trong toàn tỉnh, dự kiến ưu tiên cho các chợ nằm trong đề án xây dựng nông thôn mới. Từ đây, giúp duy trì hoạt động quản lý bảo vệ môi trường chợ và tạo thuận lợi trong giao thương, mua bán hàng hóa, đồng thời kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch đẹp, văn minh.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn