Nghề đan lục bình giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập khá

Cập nhật ngày: 19/12/2012 05:27:06

Các sản phẩm làm từ nguyên liệu lục bình đang phát triển mạnh tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, giúp nhiều chị em hội viên phụ nữ có việc làm, thu nhập khá, ổn định cuộc sống.


Nhiều chị em ở ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới phấn khởi với nghề đan
các sản phẩm từ nguyên liệu lục bình

Thời gian này, tại Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ ở ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh chật kín các mặt hàng đang chờ xuất xưởng. Chị Nguyễn Thị Hương - Tổ trưởng Tổ hợp tác thủ công Mỹ Nghệ xã Tịnh Thới cho biết, tổ có trên 40 thợ làm thường xuyên, đa phần là phụ nữ, vừa làm việc vừa hướng dẫn nhau những cách đan mới.

Mười năm trước, chị Nguyễn Thị Hương tình cờ biết được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cao Lãnh phối hợp với Công ty Sao Mai mở lớp dạy nghề đan lục bình dành cho hội viên phụ nữ. Chị Hương đã mạnh dạn xin học nghề. Với sự cần cù, chăm chỉ học nghề, chỉ sau nửa tháng, chị được công ty giao hàng để gia công tại nhà và gọi thêm nhiều chị em trong ấp đến để hướng dẫn cùng làm nghề.

Hiện nay, Tổ hợp tác do chị "đứng mũi chịu sào" trở thành nơi cung cấp sản phẩm cho Công ty Sao Mai và Cơ sở Phú Lộc ở xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, số lượng tổ viên tham gia có lúc lên đến 70 người. Khoảng 3 tháng trở lại đây, mỗi tháng chị Hương giao hàng cho đơn vị nhận gia công với đơn hàng giá trung bình khoảng 50 triệu đồng tháng, mỗi chị em làm gia công được nhận từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Chị Hương cho biết: "Kỹ thuật đan lác lục bình khá đơn giản, chỉ cần hướng dẫn vài lần là mọi người đều làm được. Làm nghề này không cần vốn nhiều, ngoài việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, chị em có thể tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình.

Chị Phan Thị Tình, ở ấp Tịnh Mỹ, Tịnh Thới có thâm niên 4 năm trong nghề cho biết: "Nếu làm quen, mỗi ngày có thể đan 4 - 5 sản phẩm, mỗi sản phẩm hoàn thành trung bình được khoảng 10.000 đồng". Có không ít hộ nghèo không có vốn làm ăn nên cả nhà cùng lãnh hàng về làm như gia đình chị Trần Ánh Nguyệt ở ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, chồng chị phụ bo khung, chị ngồi đan, con gái thì cắt tỉa lục bình cho gọn khi sản phẩm hoàn tất... Vậy là một tháng gia đình có thu nhập hơn một triệu đồng. Hay như bà Trần Thị Phương ấp Tịnh Mỹ, tuổi đã ngoài 60, nhưng thời gian rảnh, bà Phương cặm cụi ngồi đan lục bình cũng kiếm được gần 50.000 đồng/ngày.

Không chỉ phát triển mô hình đan sản phẩm lục bình, đem lại niềm phấn khởi cho nhiều gia đình mà thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Tịnh Thới đã tận dụng một phần diện tích mặt nước để trồng lục bình, cung cấp nguyên liệu cho người dân làm nghề. Chị Kim Thị Bình ở ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới cho biết: "Tôi trồng được 1.000m2 lục bình, sau 2,5 tháng, tôi cắt bán cho các hộ dân làm nghề với giá khoảng 300 đồng/kg, nếu chịu khó phơi khô, mỗi ký bán được 8.000 đồng, cũng tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình".

Chị Nguyễn Thị Hương cho biết: "Nghề này có đầu ra ổn định, công việc phù hợp với đặc thù của lao động địa phương và tận dụng được nguyên liệu sẵn có chị em có thể vừa lo việc nhà, chăm sóc con cái, vừa đan lục bình, thu nhập khá, tạo được niềm phấn khởi cho nhiều chị em".

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn