Nghề may dân dụng và công nhân xây dựng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 14/11/2012 04:47:21

Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Lai Vung mở được 56 lớp, dạy các nghề nông thôn như: sửa kiểng bon sai, may dân dụng, công nhân xây dựng, điện dân dụng, trồng rau an toàn, sản xuất cây có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học,... Trong đó, nghề may dân dụng và công nhân xây dựng mở được với 25 lớp, trung bình mỗi lớp có 20 học viên, cá biệt có lớp công nhân xây dựng lên tới 40 học viên, chiếm đa số là độ tuổi từ 16 đến 30.

Ông Trần Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ Đào tạo - Trung tâm Dạy nghề huyện Lai Vung cho biết: Sở dĩ Trung tâm mở được nhiều lớp dạy may và xây dựng là do nhu cầu của lao động nông thôn. 2 nghề này thuộc hệ sơ cấp và học viên dễ dàng xin việc làm.

Qua khảo sát của Trung tâm Dạy nghề huyện Lai Vung: Tất cả những học viên của các lớp công nhân xây dựng sau đào tạo, đều tìm được việc làm. Với những kiến thức căn bản đã được đào tạo như kỹ thuật trộn hồ, xây tường, hố ga, xây góc vuông và nhiều thao tác khác, những công nhân này xin vào làm việc tại các công trình xây dựng. Những học viên năng động, sáng tạo còn mạnh dạn làm thầu, đứng ra ký hợp đồng xây dựng được nhà ở cấp 4.

Cụ thể như công nhân Lê Minh Phụng, ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới. Sau học nghề, Phụng phát huy nghề nghiệp của mình và trở thành 1 chủ thầu nhỏ, được nhiều người tin tưởng và ký hợp đồng xây nhà ở, dạng cấp 4. Không chỉ tạo thu nhập cho bản thân, Phụng còn giúp đỡ được nhiều thanh niên khác có được việc làm. Giờ đây Phụng có mức thu nhập ổn định háng tháng từ 4,5 đến 5 triệu đồng.

Đối với nghề may dân dụng, chị em được hướng dẫn cắt, may các kiểu căn bản nhất như áo sơ mi, quần tây, quần áo trẻ em và những kiểu trang phục đơn giản khác, mục đích giúp các chị có thể tìm được việc làm tại các cơ sở may công nghiệp. Những chị em tâm huyết với nghề, có chút năng khiếu sẽ phát huy tốt nghề nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, ấp Tân Thuận, xã Long Hậu, sau khi học lớp nghề May dân dụng đã mạnh dạn mở tiệm may tại gia đình và thu hút khá nhiều khách hàng.

Theo thống kê, sau đào tạo các lớp may dân dụng, có khoảng 80% chị em phát huy được nghề nghiệp, nhiều chị được nhận vào làm việc ở Xí nghiệp may 6 và Công ty Sao Mai thị xã Sa Đéc. Một số chị nhận nguyên liệu may gia công tại nhà, không ít chị mở được tiệm may tại gia đình. Đặc biệt ở xã Tân Phước, Hội LHPN xã đã hợp đồng 2 cơ sở may ở TP HCM và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp đến địa phương thành lập 2 tổ may gia công, giải quyết việc làm cho hơn 30 chị. Thu nhập của các chị ổn định từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề huyện Lai Vung duy trì mở các lớp này khi có nhu cầu đồng thời bổ sung thêm một số nội dung cần thiết trong chương trình dạy và học nghề, để học viên có đầy đủ kiến thức từ đó sẽ phát huy nghề nghiệp tốt hơn.

Mỹ Thức

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn