Nghề tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 06/06/2012 09:20:58

Theo Phòng Quản lý đào tạo nghề Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nghề tiểu thủ công nghiệp được xem là một trong những nghề thế mạnh của đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các nghề hiện được các địa phương duy trì và phát triển là nghề đan ghế nhựa, gia công các sản phẩm bằng lục bình...


Gia công sản phẩm mỹ nghệ tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn

Hai đơn vị hoạt động khá mạnh trên lĩnh vực gia công hàng thủ công mỹ nghệ là Công ty Cổ phần Sao Mai (CTCPSM), cơ sở thủ công mỹ nghệ Phú Lộc. Với nguồn hàng cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Anh Nguyễn Văn Long - Quản đốc CTCPSM cho biết: “Do nhu cầu thị trường, đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ khá lớn với hơn 1.500 container/năm, trong khi Công ty chỉ có thể ký hợp đồng cung ứng trên 200 container/năm nên hiện tại chúng tôi đang kết hợp với các trường nghề, địa phương hướng dẫn cho người lao động nông thôn để gia công sản phẩm trong thời gian nhàn rỗi...”.

Với nguồn hàng ổn định, hiện tại các địa phương liên hệ với công ty để liên kết hỗ trợ, dạy nghề cho lao động nông thôn gia công sản phẩm thủ công. Chẳng hạn Công ty Sao Mai đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh để đào tạo nghề, hướng dẫn nghề cho người lao động thông qua mạng lưới vệ tinh tại các xã, thị trấn theo hình thức tại mỗi ấp, tổ sẽ có người đứng ra đại diện nhận sản phẩm về phân bổ cho các chị em khác gia công. Với cách làm này nhiều chị em tại các xã Mỹ Xương, Nhị Mỹ, thị trấn Mỹ Thọ huyện Cao Lãnh có việc làm trong thời gian nhàn rỗi. Cùng với các chị gia công sản phẩm, một số chị ở nông thôn cũng sống với nghề cung cấp nguyên liệu dây lục bình cho các cơ sở gia công sản phẩm. Gần đây giá lục bình dao động từ 7.000 -10.000 đồng/kg lục bình khô nên nhiều chị em có thu nhập đủ sống với nghề cắt lục bình.

Chị Nguyễn Thị Bé, xã Ba Sao huyện Cao Lãnh thường tranh thủ buổi chiều để cắt lục bình phơi bán cho các cơ sở đan lát, chị Bé kể: “Do cơ sở cần nên lục bình có giá, tôi và đứa con chiều đi cắt lục bình tươi, mỗi buổi cắt từ 5,7 kg, mỗi kg từ 300 đến 600 đồng (tùy thời điểm), gom góp cũng có tiền chi tiêu hàng ngày...”. Dọc theo các tuyến đường từ Mỹ Quý đến thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) có nhiều người sống ổn định với nghề cung cấp lục bình khô nguyên liệu. Tại phân xưởng sản xuất của CTCPSM, ngoài các khâu đan lát còn có các khâu kiểm hàng, vận chuyển hàng hóa, phơi khung sườn để giao khung gia công. Mỗi khâu có trên 20 lao động, mỗi lao động có thu nhập trên 2 triệu đồng/ tháng.

Dù chỉ mới hoạt động 2 năm nhưng cơ sở của anh Nguyễn Phước Lộc, ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh vẫn tấp nập người đến giao nhận, lấy hàng về gia công. Theo anh Lộc, các sản phẩm thủ công anh làm chủ yếu là ghế nhựa, thùng chứa đồ, ngăn tủ kéo... khách hàng chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... nguồn hàng hiện đang rất cần vì vậy lao động phổ thông có thể yên tâm với mức thu nhập từ 15.000 đồng đến 60.000 đồng/sản phẩm. Cơ sở của anh có trên 50 chị em làm nghề đan lát nhận hàng về gia công.

Nghề gia công sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được xem là nghề thế mạnh. Trong năm 2012, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình UBND tỉnh kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó nghề phi nông nghiệp có 39 nghề (trong đó có nghề đan ghế nhựa, tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối...). Theo thống kê từ đầu năm đến nay các huyện thị đã mở 59 lớp dạy nghề nông thôn, với 1.370 học viên. Các địa phương có các lớp nghề tiểu thủ công như Tân Hồng mở 2 lớp đan ghế nhựa, đan giỏ xách dây nhựa; huyện Châu Thành có 2 lớp tạo sản phẩm từ tre, trúc, mây, cói và 1 lớp tạo sản phẩm từ lục bình; huyện Tháp Mười mở 2 lớp hướng dẫn đan lục bình, bẹ chuối...

Trong năm, phấn đấu đối với nhóm nghề phi nông nghiệp, các địa phương sẽ dạy nghề cho khoảng 6.000 lao động nông thôn để họ tự tìm việc làm, nhận gia công sản phẩm tại địa phương, phấn đầu tỷ lệ lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm ít nhất 70%.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn