Người cán bộ quản giáo

Cập nhật ngày: 09/11/2012 13:24:46

Thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, luôn kiên trì, nhẫn nại giáo dục những can phạm nhân sớm nhận ra những lỗi lầm, làm lại cuộc đời. Đó là công việc thường ngày của cán bộ quản giáo (CBQG) Nguyễn Hồng Hải - Phó Đội trưởng Đội quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Tháp (TTGCATĐT).


CBQG ở TTGCATĐT giáo dục người vi phạm

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám thị TTGCATĐT cho biết: “Trại tạm giam này gồm đủ các loại “tứ chiếng, giang hồ” lưu manh chuyên nghiệp, từ trộm cắp móc túi, tới giết người, cướp của, gây tai nạn giao thông chết người,... Làm nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo can phạm phục vụ yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù, người CBQG luôn phải theo sát không chỉ hướng dẫn, chỉ bảo mà phải “miệng nói, tay làm”.

Nghề quản giáo lắm khó khăn, vất vả, nhưng vẫn có những CBQG tâm huyết, nhiệt tình, tận tụy và rất trách nhiệm trong công tác. Điển hình nhất là thiếu tá Nguyễn Hồng Hải.

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, tốt nghiệp đại học cảnh sát năm 1999 và về công tác tại TTGCATĐT cho đến nay. Đồng chí được phân công quản lý, giáo dục phạm nhân (trong buồn giam) và người có án tử hình. Bằng bản lĩnh của người quản giáo, với tinh thần trách nhiệm cao, trải qua 13 năm công tác, đồng chí Hải đã giáo dục, cảm hóa nhiều can phạm phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, sớm nhận ra lỗi lầm, “cải tà, quy chánh”.

Hiện nay, đồng chí Hải trực tiếp giáo dục khoảng 120 can phạm đang điều tra, đáng chú ý, có 6 trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải nhận mức án cao nhất của khung hình phạt là tử hình đang chờ sự ân xá của Chủ tịch nước.

Đồng chí Hải cho biết: “Phạm nhân đông, công việc bộn bề, việc quản lý rất phức tạp, đòi hỏi người quản giáo phải thực hiện tốt quy định “bốn biết” gồm: biết tuổi, họ tên; biết quê quán; quá trình phạm tội và nắm diễn biến tư tưởng của từng phạm nhân. Quy định này giúp quản giáo biết hoàn cảnh từng phạm nhân và nguyên nhân vì sao họ phạm tội... để có đối sách và phương thức giáo dục cụ thể với từng người. Trên thực tế đã có những đối tượng khi mới vào trại, đặc biệt là số có án tử hình tỏ ra ngông nghênh, bất cần đời, ngoan cố chối tội thì cán bộ quản giáo phải giải thích, động viên để họ thấy được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Mỗi CBQG ở TTGCATĐT, ngày cũng như đêm, lúc nào cũng phải nắm bắt được diễn biến tư tưởng của can phạm nhân, bởi nếu lơ là một chút có thể để lại những hậu quả đáng tiếc. Đồng chí Hải tâm sự: “Làm quản giáo tại khu giam giữ tử tù chờ thi hành án, tôi một ngày không đi qua để xem các phạm nhân thế nào là không an tâm”.


Quản giáo Nguyễn Hồng Hải tìm hiểu, ghi chép lý lịch,
hoàn cảnh của phạm nhân

13 năm kinh nghiệm làm quản giáo, đồng chí Hải đúc kết: “Để làm tròn trách nhiệm, CBQG cần phải đáp ứng những tư chất như: kiên quyết, khôn khéo, quyết đoán, tác phong chuẩn, gương mẫu, làm theo pháp luật. Đối với phạm nhân phải thể hiện cái tâm, tình người, phải nhiệt tình giúp đỡ, động viên, hướng dẫn họ sớm nhận ra lỗi lầm, phải đối xử công bằng, có tình, có lý và phải tạo điều kiện cho họ sửa chữa sai lầm”. Với suy nghĩ như vậy, trong những năm qua, đồng chí Hải đã nhọc lòng tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của từng phạm nhân, chịu khó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từng người, rồi từng bước thuyết phục, giúp đỡ, khéo léo hướng dẫn họ nhận ra những sai lầm nhất thời.

Trong câu chuyện của mình, quản giáo Hải nhắc đến một phạm nhân rất đặc biệt đối với anh. Đó là Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1972, quê xã An Bình A - Thị xã Hồng Ngự) phạm tội giết người và bị kết án tử hình. Tuấn ngày đầu đến trại tỏ ra bi quan, bất cần đời. Biết Tuấn còn có đứa con gái, nên những lúc ngồi nói chuyện với Tuấn, quản giáo Hải khéo léo gợi tình cảm cha con, đồng thời vận động đồng nghiệp giúp cho con gái Tuấn một số vốn để cháu mua vé số bán kiếm sống. Nghĩa cử cao đẹp của đồng chí Hải đã thuyết phục được Tuấn. Đồng chí Hải nhớ lại: “Ngày Tuấn đi đền tội, Tuấn ôm từng cán bộ quản giáo, cảm ơn vì đã giúp anh nhận ra lỗi lầm. Tuấn còn ghi âm nhắn nhủ khuyên con gái cố gắng làm người lương thiện và xin lỗi con vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha”.

Hay như phạm nhân Lê Xuân Tống (xã Tân Phú Trung - huyện Châu Thành) can tội giết người cướp tài sản, bị kết án tử hình đang bị giam giữ tại TTGTĐT. Được đồng chí Hải cảm hóa, Tống rất ân hận. Trước khi đền tội, Tống xin CBQG được viết đơn hiến nội tạng với tâm nguyện làm một việc tốt cho đời.

Kể lại cho chúng tôi về kỉ niệm trên, quản giáo Hải nói: “Ai cũng có lúc lầm lỡ, lúc sảy chân. Giúp họ nhận ra sai trái, động viên, khuyến khích họ sửa chữa sai lầm đó không chỉ là trách nhiệm của người quản giáo mà còn là lương tâm của chính mình nữa”.

Khi chúng tôi hỏi anh nghề quản giáo lúc nào vui nhất, anh Hải cười: “Vui nhất là khi phạm nhân được đặc xá. Điều đó có nghĩa là công sức của mình bỏ ra đã có thành quả tốt”.

Có tìm hiểu công việc quản giáo mới thấy được nghề này không hề đơn giản, biết chịu đựng khó khăn, vất vả chưa đủ, nếu không yêu nghề không có bầu nhiệt huyết trong công việc, trái tim nhân hậu và nghiệp vụ giỏi thì không làm được nghề quản giáo. Nguyễn Hồng Hải là một tấm gương về CBQG tận tụy đại diện cho những cán bộ quản giáo ở TTGCATĐT.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn