Người mẹ kiên cường

Cập nhật ngày: 23/07/2012 10:35:43

Trong cuộc kháng chiến đầy cam go chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bình yên Tổ quốc, có biết bao người Việt Nam đã anh dũng đứng lên dành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Trong số đó, có rất nhiều phụ nữ tay yếu chân mềm, nhưng khi Tổ quốc cần vẫn sẵn sàng cống hiến sức mình, có khi phải hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình riêng để lo cho dân cho nước. Má Năm (Lê Thị Huệ) là một người như thế.


Chân dung Má Năm (Lê Thị Huệ) - Tấm gương sáng
về phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Má Năm tên thật là Lê Thị Huệ, bí danh Năm Vạn (sinh năm 1930) tại làng Hòa An - Cao Lãnh trong một gia đình có truyền thống cách mạng.

Năm 1946, khi mới 16 tuổi, má Năm đã tham gia hoạt động cách mạng, lần lượt trải qua các chức vụ: Phó Đoàn trưởng; Đoàn trưởng phụ nữ Cứu quốc của xã, huyện, rồi Phó Hội trưởng phụ nữ Giải phóng khu Trung Nam Bộ; Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam tỉnh Đồng Tháp... Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, má âm thầm sống và hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch, bất chấp sự nguy hiểm chực chờ. Với quyết tâm cao độ và ý chí phi thường, không khuất phục trước kẻ thù; bất kể thời gian ngày hay đêm má vẫn miệt mài đi sâu sát đến từng hộ dân, vận động nhân dân tham gia sinh hoạt Hội, xây dựng phong trào phụ nữ, phát động quần chúng nổi dậy chống lại kẻ thù xâm lược.

Mặc dù chỉ là một phụ nữ mảnh mai yếu đuối nhưng khi Tổ quốc cần, giao bất cứ nhiệm vụ gì, má cũng không từ nan hay ngại khó, sợ khổ mà lao vào với niềm đam mê cháy bỏng. Má Năm nói: “Lúc nào tôi cũng sợ dang dở những việc mình muốn mà chưa kịp làm xong vì phong trào chị em phụ nữ”.

Trong khoảng thời gian dài dù gặp muôn vàn khó khăn có lúc cái chết cận kề, để hoạt động được, má buộc phải “Vì nợ nước mà hy sinh tình nhà”, cả sáu đứa con do bà rứt ruột đẻ ra khi mới được vài tháng lần lượt phải gởi lại cho bà con ở cơ sở nuôi dưỡng để thoát ly tham gia cách mạng. “Có người mẹ nào sinh con ra, lại chẳng muốn được ở gần con, chẳng muốn nghe tiếng nói đầu đời của con, chẳng muốn chính tay mình chăm bẵm cho đứa con thân yêu. Nên mỗi lần gởi lại “nấm ruột” của mình cho bà con nuôi dưỡng, lòng tôi đau như bị ai đó cắt đi một khúc ruột”, má Năm bộc bạch.

Trong thâm tâm của người mẹ khi xa con, luôn mong muốn sớm gặp lại các con nhưng mãi đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, má mới có cơ hội gặp lại các con. Má nói: “Niềm mong đợi lớn lao nhất của tôi chính là được đoàn tụ với các con và tôi không sao quên được ngày 2-5-1975, ngày được gặp lại đông đủ các con sau bao nhiêu năm xa cách”.

Đến nay, dù đã 82 năm tuổi đời, với 42 năm liên tục hoạt động cách mạng và trên 20 năm tham gia công tác xã hội, nhưng má Năm vẫn không hề ngơi nghỉ mà vẫn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội như: thành lập CLB cán bộ Hội Phụ nữ hưu trí; Chủ nhiệm CLB ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo phường Hòa Thuận, Ủy viên Hội Khuyến học, Ủy viên UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp. Má Năm tâm đắc nhất là hoạt động chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu nhi. Tâm niệm của má là giáo dục cho thiếu nhi tình yêu quê hương, đất nước, khơi gợi lòng tự hào về truyền thống dân tộc, tôn sư trọng đạo, kính trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.

Với những thành tích trong chiến đấu và tham gia công tác xã hội, má Năm đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba.

Song song với những thành tích vẻ vang ấy, má Năm còn là một người vợ, người mẹ tuyệt vời với chồng con. Má Năm là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước cho nhiều phụ nữ Việt Nam học tập và noi theo.

Lệ Chi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn