Ở vùng sâu Tam Nông

Cập nhật ngày: 13/02/2013 05:51:40

Phú Cường bây giờ, ngày xưa là vùng đất hoang vu, khỉ ho cò gáy. Đến năm 1930, duy nhất có gia đình ông Phan Văn Tải vào đây khai hoang, lập nghiệp. Chỉ cách nay mười năm thôi, có ai hình dung ra nơi cánh đồng lúa trũng thấp này sẽ có một khu công nghiệp đồ sộ.


Tổ chức tất niên cho công nhân ở Công ty Hoàng Long

Ấy vậy mà ông Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc tập đoàn Hoàng Long đến đây ngắm nhìn, với cái nhìn chiến lược, tầm xa, ông quyết định mua đất dựng lên một Chi nhánh Hoàng Long. Ngày 10/10/1999, Chi nhánh Công ty Hoàng Long đã ra đời với hệ thống liên hoàn khép kín từ nhà máy chế biến thức ăn cho cá 500 tấn/ngày, đến vùng nuôi cá rộng 48ha cung cấp mỗi ngày 90 tấn cá, nhà máy chế biến cá phi-lê và xuất khẩu thành phẩm bán qua Tây Ban Nha, Đức và Braxin.

Hỏi ông Phạm Phúc Toại vì sao lại chọn nơi vùng sâu để lập Công ty, ông mỉm cười: “Đây là câu nhiều người, cả các nhà báo hỏi tôi. Tôi là người con Đồng Tháp, trước hết tôi thấy mình có trách nhiệm đóng góp cho quê hương. Còn vì sao doanh nghiệp khác chọn địa điểm dọc sông Tiền, sông Hậu, cạnh quốc lộ, còn tôi vô vùng sâu? Vì tôi nghĩ qui luật tự nhiên bên lở bên bồi. Ở đây giữa đồng không sợ lở, bồi, không sợ phải dời đi, ổn định bền lâu. Công ty có nhà máy xử lý nước thải, không làm ô nhiễm môi trường. Nơi nuôi cá an toàn về nguồn nước sạch. Hơn nữa, ở đây tôi không phải tranh giành công nhân với ai; không lo nguồn nguyên liệu, không lo lực lượng công nhân, nhà máy tạo công ăn việc làm tại chỗ cho họ, từ thế hệ này đến thế hệ khác, không sợ cạn nguồn”.

Theo ông Nguyễn Văn Na - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, huyện rất ủng hộ ông Toại trong việc lập Công ty, chỉ đạo cho trường dạy nghề huyện liên kết mở lớp đào tạo công nhân theo yêu cầu sản xuất của Công ty, chỉ đạo các xã tích cực vận động thanh niên vào làm ở Công ty. Nhờ đó, từ 20% dần lên 50% số lượng công nhân của Công ty là người địa phương.

Cô Nguyễn Thị Ánh Gương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện vui vẻ cho biết, tháng 7/2010 Công ty tiến hành Đại hội lần I ra mắt Ban Chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS). Đến nay đã có 455 đoàn viên/1.800 lao động. Liên đoàn Lao động huyện còn hỗ trợ thành lập tổ công nhân tự quản ở khu nhà tập thể.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hà - Chủ tịch CĐCS Công ty Hoàng Long cho biết, Công đoàn vận động người lao động làm tốt nhiệm vụ của mình đối với Công ty, mặt khác đề xuất Ban Giám đốc tăng tiền ăn trưa cho công nhân từ 9.000 đồng lên 11.000 đồng người/ngày; điều chỉnh từ lương thời gian bằng lương khoán sản phẩm để công nhân làm việc năng suất cao hơn, thu nhập cao hơn.

Trong Công ty có sân bóng đá, bóng chuyền, bàn chơi bi-da, bóng bàn; có nơi nghỉ trưa giữa ca cho công nhân, có nhà ăn rộng thoáng, có xây nhà ở tập thể cho công nhân ở xa. Hàng tháng, tổ chức hoạt động thể dục thể thao, thi nấu ăn, cắm hoa... Tết Trung thu tổ chức cho thiếu nhi con em công nhân vui chơi. Ngoài lương, hàng tháng công nhân được Công ty trợ cấp việc ở từ 150 ngàn đến 300 ngàn đồng/người, trợ cấp chuyên cần 200 ngàn đồng/tháng cho người lao động giỏi. Công nhân làm việc từ 6 tháng trở lên được Công ty mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Vừa qua, Công ty đóng góp với huyện 200 triệu đồng lo chính sách xã hội.

Theo ông Toại, lãnh đạo Công ty biết phát triển doanh nghiệp đi đôi phát triển đời sống công nhân, tức tăng lợi nhuận Công ty cùng với việc tăng thu nhập cho công nhân. Lãnh đạo quý mến công nhân thì công nhân gắn bó với Công ty. Ông tự hào lương công nhân ở đây cao hơn những nơi khác. Cô Phan Thị Đo, ở xã Gáo Giồng, vốn ở nhà làm ruộng, vào Công ty hơn 8 tháng, lương từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Cô La Thị Kim Chung ở ấp B, xã Phú Cường, trước tính lương thời gian, ngày 100 ngàn. Nay lương theo sản phẩm, khá hơn. Hồ Bảo Kha, xã Tân Công Sính, trước ở nhà lêu têu, nay làm ở khâu xếp khuôn chế biến cá, thu nhập 2,8 triệu đồng/tháng. Nguyễn Quốc Trung, quê xã Gáo Giồng làm ở khâu chế biến cá, thu nhập 2,8 triệu đồng/tháng...

Về hướng tới của Công ty, ông Phạm Phúc Toại nhìn ra xa: Đồng Tháp Mười là vùng nông thôn sâu. Trung ương và tỉnh đều có chủ trương xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng này. Công ty góp phần vào việc đó. Sắp tới, Công ty đầu tư tiếp giai đoạn hai, mở rộng thêm cơ sở vật chất, hoạt động của Công ty, sẽ thu hút thêm 4.500 công nhân nữa. Tôi tin với giá trị đầu tư tăng trưởng tốt của Công ty, sẽ góp phần làm thay đổi thêm diện mạo Đồng Tháp Mười, huyện Tam Nông sẽ khác hơn bây giờ...

Nhất là nếu kinh An Long cần được nạo vét sâu hơn, tạo lợi thế giao thông đường sông. Đường bộ cần thông từ Tam Nông xe tải đi thành phố Hồ Chí Minh, nhất là tăng tải trọng cầu, sao cho xe công-tai-nơ đi được. Hiện giờ, xe tải chở hàng xuất khẩu của Công ty phải đi vòng ra Thanh Bình, xuống Cao Lãnh, đi ra quốc lộ 1A rất xa, tốn kém...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn