Phú Hựu: Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 24/04/2013 04:53:46
Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được UBND xã Phú Hựu (huyện Châu Thành) quan tâm. Ngoài phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, xã Phú Hựu còn có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các mặc hàng thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp, điện gia dụng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Ngọc Ngân xã Phú Hựu
Công ty TNHH Ngọc Ngân ở ấp Phú Bình, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, mới đưa vào hoạt động với nghề lắp ráp máy sạt bình nhưng đã thu hút hàng chục lao động ở xã Phú Hựu và xã An Khánh. Công việc của các công nhân là quấn bảng điện, biến thế, hàn mạch điện. So với những công ty, xí nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp thì khoản thu nhập từ công việc này không nhiều, nhưng bù lại giờ giấc làm việc không gò bó, có thể chủ động được công việc gia đình.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết: "Công viêc ở đây cũng đơn giản, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng".
Ngoài ra, trên địa bàn xã Phú Hựu còn có nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ như đan thảm lục bình, đan các sản phẩm từ bẹ dừa, sơ dừa, may gia công túi ni long. Những công việc nầy đơn giản, người lao động không phải đến cơ sở làm việc mà được nhận sản phẩm về nhà gia công, vì vậy người lao động có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Chị Võ Thị Huệ ở ấp Phú Long, xã Phú Hựu nhận hàng của cơ sở về gia công, thu nhập trên 30.000 đồng/ngày. Mặc dù, số tiền thu nhập ít nhưng cũng có thể trang trải được một phần chi phí cho gia đình như tiền điện, tiền nước...
Thời gian gần đây, diện tích vườn nhãn ở huyện Châu Thành đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều lò sấy nhãn, các vựa nhãn cũng đã hoạt động trở lại nên hàng ngày giải quyết được một lượng lớn lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 50 - 70 ngàn đồng/người/ngày.
Theo bà Nguyễn Ngọc Xứng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hựu, trong những năm qua, UBND xã đã phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện Châu Thành mở mỗi năm từ 3 đến 4 lớp dạy nghề nông thôn, mỗi lớp từ 20 đến 30 học viên. Hàng năm, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động làm việc ở cụm công nghiệp Cái Tàu Hạ - An Nhơn, Sa Đéc, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, hàng năm số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, số lao động nhàn rỗi tại địa phương vẫn còn ở mức cao.
Hướng tới, UBND xã sẽ phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề nông thôn, trong đó chú trọng các lớp dạy nghề theo địa chỉ như: điện tử, may công nghiệp và tham mưu với UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn".
Thanh Dự