Sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp

Cập nhật ngày: 17/03/2014 06:13:32

Đây là nhận định của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) tỉnh về tình hình sạt lở bờ sông diễn ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Trong đó các địa bàn tiếp tục diễn ra sạt lở gồm huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh, huyện Lai Vung, thành phố Sa Đéc, huyện Châu Thành.


Khu vực sạt lở bờ sông tại TP.Cao Lãnh

Tính đến cuối năm 2013, sạt lở bờ sông đã xảy ra tại 34 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị, thành phố, với chiều dài 38,74km, diện tích 10,27ha; có nơi sạt lở vào bờ từ 10m đến 40m tại các xã Long Thuận, Long Khánh A, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự); xã Tân Bình, An Phong, Bình Thành (huyện Thanh Bình); xã Tân Thuận Đông, Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh); xã Mỹ An Hưng B ( huyện Lấp Vò); xã An Hiệp (huyện Châu Thành); xã Tân Khánh Đông (thành phố Sa Đéc).

Diễn biến sạt lở khá phức tạp. Những phần lộ thiên, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, nhưng diễn biến âm thầm bên dưới lòng sông thì rất khó kiểm tra, giám sát do thiếu phương tiện, thiết bị cần thiết. Như vụ sạt lở xảy ra bất ngờ tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, chiều dài sạt lở lên đến 70m, ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương, người dân.

Nguyên nhân sạt lở được xác định do động lực dòng chảy, kết hợp với cấu tạo địa chất và những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây xói lở. Ngoài ra, còn có những sạt lở gây ra từ các hoạt động của con người như khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá nuôi thủy sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông và phương tiện giao thông chạy với tốc độ lớn dẫn đến hiện tượng xói lở cục bộ.

Ngoài việc theo dõi, cắm biển báo, tuyên truyền để người dân biết chủ động phòng tránh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện điều tra, khảo sát di dời các hộ dân có nhà nằm trong vùng sạt lở đến nơi an toàn; khẩn trương thi công các công trình hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư như cụm dân cư xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, kinh phí 50 tỷ đồng; tuyến dân cư Tân Bình - Tân Quới, kinh phí 80 tỷ đồng.

Tại TP.Sa Đéc, kè chống xói lở giai đoạn III đang thi công khẩn cấp; tại Châu Thành, dự án khắc phục sạt lở bờ sông Tiền thuộc địa phận xã An Hiệp; tại Lấp Vò dự án chống xói lở bờ sông Tiền tại xã Mỹ An Hưng B; tại Hồng Ngự, tiểu dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền thị trấn Thường Thới Tiền cũng được khẩn trương thực hiện... Ngoài ra, cơ quan chức năng còn nạo vét thông luồng tại các nơi dự báo sạt lở nguy hiểm.

Qua khảo sát, kiểm tra tại các khu vực trọng yếu, BCH PCLB&TKCN dự báo hiện nay trên đoạn sông Tiền từ thị trấn Tân Châu đến Cầu Mỹ Thuận có 21 cồn đang nổi, có thể sẽ diễn ra sạt lở mạnh bờ sông tại các xã Long Khánh A, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận (huyện Hồng Ngự), khu vực xã Tân Bình, Tân Quới, An Phong, Bình Thành (huyện Thanh Bình), Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh), xã An Hiệp (huyện Châu Thành). Ngoài ra, còn có các xã Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa (huyện Lai Vung) nằm ven sông Hậu có khả năng bị sạt lở.

BCH PCLB&TKCN chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công công trình bờ kè, nạo vét các bãi bồi, giám sát chặt việc khai thác cát sông, xây dựng thêm các cụm, tuyến dân cư cho người dân vùng sạt lở, thường xuyên kiểm tra, vận động người dân di dời khỏi vùng sạt lở nguy hiểm; quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thủy sản ven sông...

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn