Tác động của biến đổi khí hậu đến tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 10/03/2014 04:23:10

Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam được đánh giá là một trong bốn quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Nhiều dự báo nghiên cứu gần đây cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu những tác động nghiêm trọng do hiện tượng BĐKH, trong đó có tỉnh Đồng Tháp.

Theo diễn biến BĐKH thì mức nước tại tỉnh ta vào năm 2020, 2050 và 2100 tương ứng tăng là 11; 20 và 48cm. Khi đó, sẽ gây ra ngập ở một số khu vực như: ngập sâu (huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, TX.Hồng Ngự và một phần huyện Tam Nông); ngập trung bình đến nông (huyện Cao Lãnh, Thanh Bình và Tháp Mười); khu vực nhạy cảm chịu tác động của sạt lở bờ sông (TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, huyện Thanh Bình và Hồng Ngự); khu vực nhạy cảm chịu tác động của hạn hán (Vườn Quốc gia Tràm Chim, vùng đất phèn huyện Tháp Mười và Tam Nông). Dự đoán đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp bị tác động do mực nước dâng là trên 73.000ha. Đất sử dụng lâu dài cho nông nghiệp không chỉ bị thu hẹp do nước biển dâng mà hàng năm còn bị tác động trực tiếp, gián tiếp của BĐKH như hạn hán, lũ lụt, sạt lở.

BĐKH làm tăng mức độ ô nhiễm, suy giảm chất lượng và trữ lượng các hệ sinh thái thủy sinh, thay đổi mục đích sử dụng nguồn nước. Nhiệt độ trung bình tăng cao làm tăng nguy cơ hạn hán và cháy rừng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học các hệ sinh thái. Mặt khác, khi có nhiều diện tích đất bị ngập nước thì diện tích rừng tự nhiên sẽ bị suy giảm nghiêm trọng; nhiệt độ gia tăng sẽ dẫn đến sự di cư ngày càng nhiều của các loài động vật, các loài không thích nghi sẽ dần suy giảm và tuyệt chủng.

Sự thay đổi về chiều cao, nhiệt độ, thành phần, chất lượng của nguồn nước sẽ làm suy giảm chủng loại các loài thủy sinh; mức nước dâng cao, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ thu hẹp dần. Điều kiện khí hậu thay đổi khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu, sinh trưởng và phát triển của các loài giống cây trồng, vật nuôi; khó khăn trong việc cấp nước thủy lợi; thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản;...

Dự báo đến năm 2030, khi mực nước biển tăng thêm 17cm thì sẽ gây ra thiệt hại lớn cho ngành xây dựng và ngành giao thông vận tải, tiến độ thực hiện và chất lượng các công trình xây dựng bị giảm; thiệt hại về kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng không tốt đến ngành thương mại, dịch vụ, du lịch; thay đổi cơ cấu lao động về ngành nghề. Đặc biệt, khí hậu biến đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, nhất là người dân vùng sâu. Ngoài ra, những thay đổi bất thường về điều kiện khí hậu sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác quy hoạch sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng và đa dạng sinh học...

Những năm qua, tác động của BĐKH đến đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh tỉnh Đồng Tháp nói riêng ngày càng được thể hiện rõ. Chẳng hạn, mùa mưa có xu hướng thất thường, có nhiều đợt mưa rất to; mưa bão, lũ lụt ngày càng bất thường, không theo qui luật; lốc xoáy, mưa giông, sấm sét ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nhiều và nguy hiểm, số lượng các điểm sạt lở tăng, vành đai sạt lở mở rộng (ước tính mỗi năm tỉnh Đồng Tháp mất từ 30 đến 50ha đất ven sông do sạt lở). Cháy rừng có xu hướng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng (mỗi năm tỉnh xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, thiệt hại từ 10 đến 40ha rừng tràm).

Các năm qua, diện tích đất bị nhiễm phèn có xu hướng tăng, nhất là vùng trũng Đồng Tháp Mười; sâu rầy ngày càng phát triển, gây hại mạnh, nhiều bệnh lạ gây hại đối với ruộng lúa và các vườn cây ăn trái; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng tăng;... Đa dạng sinh học cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của BĐKH, đặc biệt là hệ sinh thái ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim; đáng lo ngại là nhiều loại động thực vật có nguy cơ biến mất trên toàn tỉnh, kể cả khu vực như: sếu đầu đỏ, rắn hổ, cá dầy,...

Tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm đối với BĐKH trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản về BĐKH để thực hiện chương trình, kế hoạch của Trung ương đề ra; chỉ đạo các cơ quan phối hợp thực hiện các đề án, dự án về ứng phó với BĐKH.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn