Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông ở nông thôn

Cập nhật ngày: 02/05/2014 04:45:48

Xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, những vấn đề cấp bách, trong đó có việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo an toàn giao thông, để xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo và góp phần mang lại cuộc sống bình yên, một bộ mặt mới và tiềm năng để phát triển cho nông thôn.

Ở Đồng Tháp thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, làm cho GTNT thay đổi một cách căn bản, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân nông thôn. Tuy nhiên, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn nông thôn liên tục gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT) ở cả hạ tầng giao thông, phương tiện và người tham gia giao thông. TNGT xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm 19% và vẫn có chiều hướng tăng. Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên các đường nông thôn đang là nỗi lo của xã hội và cả chính những người dân ở địa phương.

Nguyên nhân trước hết là do hiểu biết pháp luật về TTATGT của người dân khu vực nông thôn còn hạn chế, chưa tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, tỷ lệ người vi phạm TTATGT vẫn còn ở mức cao, nhất là người điều khiển ô tô, xe máy, đường GTNT mặc dù được cải tạo mở rộng, nâng cấp bê tông hóa, nhựa hóa nhưng còn thiếu hệ thống biển báo và thiết bị ATGT, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây trồng trong khi nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo, chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ, chưa huy động được các lực lượng đảm bảo TTATGT khu vực nông thôn.

Trong thời gian tới, nhằm ngăn chặn tình trạng TNGT gia tăng ở khu vực nông thôn, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT. Qua đó, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của người dân khu vực nông thôn khi tham gia giao thông, giảm TNGT trong nông dân, nông thôn. Huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống GTNT đảm bảo an toàn, đồng thời huy động các lực lượng bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn. Các hoạt động được triển khai thống nhất từ tỉnh đến các địa phương để tạo sự chuyển biến trong hoạt động bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT. Đảm bảo an toàn phương tiện và nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, các biện pháp phòng tránh tai nạn đối với người tham gia giao thông. Huy động các lực lượng tham gia bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố và công an xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường GTNT.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đẩy mạnh các cuộc vận động, tuyên truyền cho người dân nông thôn thực hiện quy định về bảo đảm TTATGT, tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng GTNT an toàn; phổ biến, hướng dẫn vận động người dân kỹ năng điều khiển các phương tiện giao thông an toàn, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ quy định tốc độ, phòng chống việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện, đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy... Đẩy mạnh tuyên truyền bộ tiêu chí “Văn hóa giao thông” đến các hội viên, đoàn viên và cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Hiện nay, xây dựng và phát triển hạ tầng GTNT là yêu cầu cấp thiết, trong đó vấn đề ATGT cần phải được đảm bảo và có những giải pháp hiệu quả, thiết thực. Dẫu biết, đó là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà phải có lộ trình cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành và toàn dân. Giảm thiểu TNGT đến mức thấp nhất, mang lại sự bình yên cho người dân, góp phần làm khởi sắc diện mạo nông thôn mới, là trách nhiệm không của riêng ai.

Đồng Dao

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn