Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa

Cập nhật ngày: 11/06/2012 14:30:19

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tuần qua (tuần 22 của năm), toàn tỉnh đã có hơn 879 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 10% so với cùng năm 2011, trong đó có 84 ca nặng (độ III, độ IV). Hiện nay đang trong mùa mưa, tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh.


Nguy cơ xảy ra SXH do những vật dụng chứa nước, nước ứ đọng
tại những khu đất trống

SXH diễn biến khá phức tạp tại các huyện đầu nguồn sông Tiền

Từ đầu mùa mưa đến nay, tại các huyện đầu nguồn sông Tiền, SXH có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Cụ thể, huyện Hồng Ngự tính đến ngày 3-6-2012 đã xảy ra 139 ca, độ nặng là 28 ca; kế đến là huyện Tam Nông, 88 ca; thị xã Hồng Ngự, 87 ca, độ nặng là 10 ca, Tân Hồng cũng xảy ra 64 ca, độ nặng là 3 ca. Trung bình mỗi tuần, các địa phương trên xảy ra từ 2 đến 13 ca, cao điểm có huyện xảy ra 25 ca/tuần. Đáng chú ý là huyện Hồng Ngự, trong tuần 19 của năm xảy ra tới 25 ca, là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất trong toàn tỉnh. Các địa phương có số ca mắc cao tại huyện Hồng Ngự tập trung ở các xã cù lao: Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận, Long Khánh A, Long Khánh B.

Bác sĩ Lê Điền Lâm - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hồng Ngự cho biết, tại các xã: Long Khánh B, Phú Thuận B sau khi phun dập dịch diện rộng có chiều hướng đang giảm dần. Tuy nhiên các xã: Long Thuận và Phú Thuận A lại có chiều hướng tăng. Nguyên nhân do thời tiết đang là mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh trong cộng đồng. Qua giám sát thực tế tại xã Long Thuận, chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước trong 100 nhà điều tra) còn cao (BI=50), theo qui định thì BI bằng hoặc nhỏ hơn 20. Qua theo dõi dịch tể, dự báo dịch trong thời gian tới, SXH trong huyện còn diễn biến rất phức tạp có nguy cơ xảy ra dịch lớn.


Môi trường sống không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ
bùng phát dịch bệnh SXH

Mỗi người dân cần chủ động phòng, chống dịch SXH

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, bệnh SXH xuất hiện rải rác khắp tỉnh, tình hình bệnh xảy ra theo đúng quy luật dịch tễ học, nghĩa là số ca mắc bệnh thấp ở mùa khô, tăng cao ở mùa mưa. Hiện nay là mùa cao điểm của bệnh SXH ở tỉnh, mỗi tuần trung bình khoảng hơn 70 trường hợp mắc bệnh. Nước ứ đọng là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển, tiềm ẩn mầm bệnh trong cộng đồng. Trước tình hình dịch SXH gia tăng, ngành Y tế tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành Y tế và các ban, ngành có liên quan đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để phòng, chống dịch. Ngành Y tế khuyến cáo, người dân nên thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng; phòng tránh muỗi đốt bằng các biện pháp: ngũ mùng kể cả ban ngày, sử dụng bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi... Tham gia thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng tránh muỗi sinh sản bằng các biện pháp như: đậy kín các vật dụng chứa nước, cọ rửa lu hàng tuần, thả cá ăn lăng quăng,... dọn dẹp trong và xung quanh nhà gọn gàng tránh muỗi trú ẩn sinh sản. Khi nghi ngờ mắc bệnh phải đến cơ quan y tế để được điều trị kịp thời.

Dự báo, trong thời gian tới dịch SXH còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Với tinh thần tập trung tối đa để khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch SXH.

Ngoài ra, ngành Y tế sẽ thường xuyên giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện nguy cơ xảy ra dịch nhằm khống chế và dập tắt dịch, hạn chế tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, thu thập đầy đủ số liệu về dịch bệnh, thực hiện dự báo đúng về diễn biến của ổ dịch để có biện pháp phòng, chống thích hợp và hiệu quả. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh SXH của ngành Y tế, để góp phần phòng ngừa dịch bệnh SXH điều quan trọng vẫn là ý thức của người dân, mỗi người dân cần tích cực tham gia diệt lăng quăng để phòng, chống SXH.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn