Tháp Mười
Chung tay xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 09/07/2012 13:58:59

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tháp Mười đã triển khai cho tất cả xã xây dựng theo tiêu chí xã NTM, trong đó có 03 xã điểm.

Đến thời điểm này, huyện Tháp Mười đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí NTM, trong đó, có 4 xã đạt từ 10 đến 11 tiêu chí, 6 xã đạt 9 tiêu chí, 1 xã đạt 8 tiêu chí và 1 xã đạt 6 tiêu chí. Ở 3 xã được chọn thí điểm xây dựng NTM, việc tập trung phát triển sản xuất, lồng ghép đào tạo nghề, tạo việc làm, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và chuyển đổi cơ cấu lao động đã được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả.


Tháp Mười đang tích cực xây dựng hoàn thành hệ thống
giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại

Xây dựng nông thôn mới từ những mô hình điểm

Nét nổi bật trong chương trình xây dựng NTM ở Tháp Mười là huyện đã triển khai tuyên truyền thường xuyên với nhiều hình thức phong phú trong cả hệ thống chính trị - xã hội hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã thông hiểu và vận động nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, Tháp Mười đã phát huy được sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất từ cán bộ đến nhân dân, từng bước thực hiện hoàn thành các tiêu chí NTM.

Nhờ sự thống nhất về chủ trương và hành động, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, huyện Tháp Mười đã vận động xây dựng được 119 căn nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí 13.045 triệu đồng. Trong đó, xã Mỹ Đông đã vận động xây dựng được 27 căn; xã Đốc Binh Kiều 54 căn; Thanh Mỹ 38 căn. Việc xây dựng nhà cho hộ nghèo góp phần xóa nhà tạm bợ cho hộ nghèo, giúp các gia đình an tâm lao động, phát triển kinh tế gia đình.

Song song với việc tạo điều kiện về nhà ở, huyện Tháp Mười đã chủ trương vận động nông dân cải tạo vườn tạp, hướng đến trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao thu nhập và tạo cảnh quan trên các tuyến đường mới xây dựng. Từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân, đầu năm đến nay, huyện đã triển khai thực hiện mô hình trồng dừa ở Hưng Lợi (ấp diện) xã Thanh Mỹ, với diện tích thực hiện 18,6ha, tổng kinh phí 542,5 triệu đồng, trong đó Trung ương Hội nông dân hỗ trợ 400 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân đầu tư.

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách địa phương, Tháp Mười đã vận động nhân dân thực hiện mô hình trồng dừa trên tuyến đường liên ấp bờ bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp A, với chiều dài 6,1km, trồng được 1.027 cây dừa, tổng kinh phí là 35,595 triệu đồng. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 14,195 triệu đồng, còn lại do gia đình đóng góp. Theo kế hoạch trong năm 2012, huyện sẽ cải tạo 50ha ở những vùng có điều kiện, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 163 triệu đồng.

Từ đầu năm 2012 đến nay, huyện đã triển khai 14 mô hình, dự án phát triển sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả như: mô hình phát triển sản xuất giống lúa chất lượng; mô hình áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa theo SRI trong sản xuất lúa chất lượng; mô hình quản lý khuyến nông bằng thuốc sinh học... Bên cạnh đó, Tháp Mười cũng thực hiện kế hoạch sản xuất lúa theo hướng hiện đại, đến nay đã triển khai 31 cánh đồng hiện đại với diện tích 8.903ha. Qua hội thảo đánh giá mô hình mang lại hiệu quả khá cao.

Góp phần thực hiện tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới, từ nguồn ngân sách huyện và vốn đóng góp của nhân dân, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, huyện đã triển khai cho các xã vận động nhân dân xây dựng đèn đường kết hợp xây dựng cột cờ, với tổng chiều dài thực hiện 92km, kinh phí 2.392 triệu đồng. Để từng bước hoàn chỉnh các tuyến đường chính trong huyện, xã và liên ấp, từ đây đến cuối năm 2012, huyện tiếp tục triển khai thực hiện thêm 115km. Dự kiến đến cuối năm 2012 toàn huyện có trên 200 km đường nông thôn được thắp sáng.

Đặc biệt, huyện Tháp Mười đã thực hiện đa dạng huy động các nguồn lực để xây dựng cầu, đường nông thôn, chăm lo cho hộ nghèo. Huy động mạnh thường quân trong và ngoài huyện và sự đóng góp của nhân dân trong 6 tháng đầu năm 2012, triển khai thi công 8 cây cầu bê tông, đắp ta li đường kết hợp trồng cây xanh được hơn 22km. Đến nay, bộ mặt nông thôn ở Tháp Mười đã có nhiều khởi sắc, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn, nhà cửa khang trang hơn, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Chung tay xây dựng NTM

Năm 2012, huyện Tháp Mười tập trung xây dựng một số chỉ tiêu: quy hoạch, điện, hộ nghèo, văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, vững mạnh... Cụ thể tại 3 xã điểm xây dựng NTM: Thanh Mỹ chỉ tiêu năm 2012 xây dựng 5 tiêu chí: quy hoạch, giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa và hộ nghèo; xã Đốc Binh Kiều và Mỹ Đông cùng xây dựng 3 tiêu chí: quy hoạch, điện, hộ nghèo.

Tuy nhiên, theo nhận định của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện, việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn. Đó là một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về mục tiêu, quan điểm, giải pháp, lộ trình xây dựng NTM chưa đầy đủ, xuất hiện tư tưởng nóng vội trong xây dựng NTM. Để từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, giải pháp của huyện là tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt chương trình xây dựng NTM. Đồng thời huy động sự vào cuộc một cách đồng bộ, ráo riết của cả hệ thống chính trị, trong đó cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ và các tổ chức đoàn thể là lực lượng nòng cốt trong quá trình thực hiện cuộc vận động. Cùng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tin rằng công cuộc xây dựng NTM ở Tháp Mười sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương.

Lệ Chi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn