Theo chân lái bò vùng biên

Cập nhật ngày: 09/08/2013 06:02:13

Sau nhiều ngày lùng sục khắp nơi “săn hàng”, các lái bò thu được bộn tiền khi bán bò cho lò mổ. Với những lái bò chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn qua vài bộ phận trên thân bò là họ có thể “cáp” được sít sao khối lượng thịt để ra giá mua phù hợp.

Trong nghề lái bò hơn 20 năm, thông thuộc những nơi có nguồn cung cấp bò thịt nhiều, ông Phan Văn Đức (58 tuổi, ngụ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) cho biết, giờ là “mùa” làm ăn của dân lái bò. Bởi lũ đang về, nguồn cỏ cạn và kinh tế của bà con khó khăn trong mấy tháng nước nổi nên nhiều người nuôi tìm lái bán bò.


Khách hàng đang thỏa thuận mua bò của anh Lê Thanh Tuấn

Xem tướng” bò

Đang lúi húi với 2 con bò vừa mua ở ấp Đuôi Tôm (xã Tân Hộ Cơ), ông Đức nhận được điện thoại của một “đối tác làm ăn” ở xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự) yêu cầu đến trả đủ tiền và chở bò về. Bởi trước đó, ông đã đồng ý mua 3 con bò với giá 30 triệu đồng (đã đưa tiền cọc). Vậy là chưa kịp uống nước, ông liền gọi “lính” lấy xe đi “rước” bò, kèm theo là một xấp tiền dày cộm để thanh toán tiền mua bò. Sắp xếp công việc xong, ông Đức mới vui vẻ nói nhỏ với chúng tôi, với 3 con bò này chắc lãi cũng kha khá.

Trước đây, ông Đức làm nghề nuôi vịt nhưng nhiều lần bị thua lỗ, thấy quê mình có nhiều người nuôi bò nên ông có ý định chuyển sang nghề mua bán bò, dù khi ấy ông chưa có kinh nghiệm trong nghề. “Tay ngang” đi mua bò nên ban đầu không ít lần ông bị lỗ do trả giá bị “hố”. Cứ mỗi lần thất bại là ông lại rút ra được một vài kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng “nghề dạy nghề”, học được cách làm ăn và quen biết nhiều mối hàng, giờ đây ông Đức là một trong những lái bò nổi tiếng trong và ngoài huyện.

Ông kể, muốn sống được với nghề này, trước tiên phải biết coi tướng bò cho chuẩn; ngoài kinh nghiệm và kiến thức học từ người đi trước, trực giác rất quan trọng.

Theo ông Đức, mua bò về xẻ thịt thì chỉ cần sờ sống lưng bò xem thịt có đầy đủ hay không. Kế đến là xem chiều dài, con nào có thân dài thì chắc chắn nhiều thịt hơn so với con thân ngắn, chỉ cần dài hơn 2 tấc là thịt nhiều hơn khoảng 10kg (dù cân nặng 2 con bằng nhau). Bởi thế, dân trong nghề mới có câu: “1 chấm dài bằng 3 chấm ngang”. Và cuối cùng là vòng cổ phải to, yếm dày, bò mới có nhiều thịt.

Với ông Đức, công việc lái bò giống như chuyện mua bán may rủi, không ít người đã từng khấm khá với nghề này. Gặp những mối ngon, người mua như ông “đút túi” không dưới chục triệu đồng từ một con bò giống vì thường bán vô giá. “Bò làm giống, người ta rất cần, nên kiếm chúng rất khó. Đôi khi lùng sục cả tháng mới tìm được một con bò giống. Một con bò giống tốt phải hội đủ các đặc điểm như: lưng thẳng, da dày, lông bóng, móng sò, chân to chắc, xoáy lưng đẹp... Nói chung, toàn thân bò nhìn tổng thể phải cân đối. Và một khi người cần đã ưng ý, họ sẽ không ngại giá cao” - ông Đức cười nói.

Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề mua bò, Đức mách nước cho chúng tôi làm thế nào để “cáp” sít sao lượng thịt trên mỗi con bò. Nhìn từ bên ngoài, thật khó để biết bò nhiều hay ít thịt. Nhưng qua con mắt sành sỏi của những người lái bò, chuyện này quá đơn giản. Ông Đức kể: “Tụi tôi mua bò thịt chủ yếu dựa vào các bộ phận trên cơ thể chúng. Đối với bò lớn (từ 150kg thịt trở lên), cổ bò sẽ được tính bằng một cái đùi, 2 bên lưng xem như 2 đùi và thêm 2 đùi sau nữa thì con bò sẽ có 5 đùi hết thảy. Mỗi đùi, mình áng chừng từ 20-30kg, tùy trọng lượng bò mập hay ốm. Còn bò nhỏ hơn thì chỉ có 4 đùi, hai đùi sau thường nặng hơn 2 đùi trước từ 5-7kg thịt. Từ đó, cứ nhân giá thịt hiện nay mà trả giá”.

Ông Đức còn cho hay, lúc trước ông và nhiều lái khác thường qua Campuchia để mua bò nhưng giờ do tuổi cao nên ông không đi nữa.

“Xuất ngoại” để... mua bò

Do giáp ranh với Campuchia nên nhiều lái ở Tân Hồng sang nước bạn tìm mua bò. Theo nhiều người trong nghề, bò mua bên Campuchia thường ốm, nhỏ nhưng được cái giá “mềm” hơn bên Việt Nam nên anh em mua về bán lại cho dân mình nuôi vỗ béo, lấy thịt.


Chú Ngô Văn Sị vừa dẫn bò mua từ Campuchia về tới nhà

Ngoài việc rong ruổi khắp nơi trong huyện, người mua bò còn chạy xe máy qua một số tỉnh của Campuchia, người lái bò không bao giờ ngơi nghỉ để “săn” cho được nguồn hàng. Những chuyến đi thường một hay vài ngày. Chú Ngô Văn Sị ở ấp Phước Tiên, xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) chuyên qua Campuchia mua bò về Việt Nam bán lại cho biết: “Hôm nay, tôi mua được 7 con bò bên Campuchia, tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Không biết chuyến này lời lỗ thế nào. Tuy nhiều năm trong nghề nhưng đôi khi tôi vẫn bị “tai nạn nghề nghiệp” vì trả giá nhầm”.

Tiếp lời chú Sị, chú Bùi Văn Bến (cộng sự của chú Sị) nói: “Những con bò trả giá bị “hố”, khi về Việt Nam bán lại giá thấp quá thì chúng tôi phải ráng “thúc” cho mập rồi mới đem bán. Nếu không sẽ bị lỗ”.

Chú Bến ngồi nói chuyện với chúng tôi mà điện thoại reo liên tục. Alo! Và tiếp theo là một tràng những câu nói tiếng Campuchia. Thấy chúng tôi tò mò, chú giải thích, đó là điện thoại của những người bản xứ được thuê dẫn bò từ Campuchia về Việt nam (150 ngàn đồng/con). Ngoài ra, chú Bến còn phải nộp thuế bên Campuchia, 7 con bò đóng 180 riels (tương đương gần 1 triệu đồng Việt Nam). “Thông thạo tiếng Campuchia nên chúng tôi rất thuận tiện trong việc mua bán. Nếu ai không biết tiếng thì chỉ còn cách “ra-ni” (ra dấu)” - chú Bến cho biết.

Do thông thạo tiếng và địa bàn bên Campuchia nên chú Sị, chú Bến tự “săn lùng” bò. Còn với anh Lê Thanh Tuấn ở ấp Gò Bói, xã Tân Hộ Cơ (chuyên mua bò bên Campuchia) thì cho hay: “Tôi mới vô nghề được 2 năm nên tôi có “cộng tác viên” hẳn hoi, chỉ cần có người bán là họ điện cho mình ngay. Lúc đó, mình chỉ việc đánh xe đến nơi, xem bò thấy được thì mua luôn. Trả công cho “cộng tác viên” chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng không có họ thì mình chạy cũng mệt”.

Điểm tập kết bò để bán của anh Tuấn gần Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Anh Tuấn đang nói chuyện với chúng tôi thì có khách hàng đến. Anh Lê Nguyên Khang cũng ở ấp Gò Bòi đến mua 4 con bò để về nuôi vỗ béo. Anh Tuấn ra giá 42 triệu đồng. Sau một hồi thương lượng, họ thống nhất giá 41,5 triệu đồng. Lúc này, nhiều người làm nghề dẫn bò thuê đang ngồi đợi gần đó có việc làm. Chị Nguyễn Thị Màu ở ấp Dinh Bà, được anh Khang thuê dẫn 2 cặp bò về với giá 150 ngàn đồng.

Theo anh Tuấn và nhiều người trong nghề: Nghề lái bò đã mang lại cuộc sống ổn định, khá giả cho họ. Bên cạnh đó, có nhiều nghề “ăn theo” nghề lái bò xuất hiện như mua bán rơm, dẫn bò thuê... tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, nhất là người nghèo.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn