Tình hình tội phạm ở Đồng Tháp dưới góc nhìn văn hóa

Cập nhật ngày: 26/08/2013 04:46:21

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức, Công an tỉnh Đồng Tháp đã có bài tham luận về tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh từ góc nhìn văn hóa. Đây là tham luận rất có giá trị để các ngành, địa phương nghiên cứu, góp phần giảm thiểu tình hình tội phạm ở địa phương. Xin trích giới thiệu những nội dung chính của tham luận.


Tham gia công tác hoạt động xã hội giúp các bạn trẻ
tránh sa vào tệ nạn xã hội

Trong những năm qua, việc mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đã tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp, nhà máy phá sản, số người thất nghiệp gia tăng, giá cả biến động,... đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, an sinh xã hội. Đó cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) của địa phương, là điều kiện làm phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên (TTN).

Chỉ tỉnh riêng năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra 722 vụ phạm pháp hình sự, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 51 vụ; án nghiêm trọng và ít nghiêm trọng là 617 vụ. Có 321 vụ phạm pháp do TTN thực hiện, đã bắt xử lý 484 đối tượng, chiếm tỉ lệ 50% so với tổng số vụ phạm pháp hình sự. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2013, tỉnh Đồng Tháp xảy ra 191 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 83 vụ phạm pháp hình sự do TTN thực hiện, bắt xử lý 99 đối tượng, cho thấy tình trạng TTN phạm tội có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân...

Đặc điểm chung của các đối tượng phạm tội trong lứa tuổi TTN là đều có trình độ học vấn thấp, lười lao động, không có việc làm ổn định, thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình, thích sống đua đòi, hưởng thụ, có suy nghĩ lệch lạc, hành động theo kiểu “xã hội đen”,... Từ góc độ văn hóa có thể nhận thấy nguyên nhân của tình hình tội phạm ở Đồng Tháp tập trung chủ yếu vào một số nguyên nhân.

Về văn hóa giải trí, bên cạnh việc tiếp thu một số loại hình giải trí lành mạnh, vẫn còn nhiều loại hình giải trí có tính chất kích động, bạo lực, đồi trụy (sách báo, phim ảnh, game online,...) làm ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức của một bộ phận người dân (nhất là giới trẻ), dẫn đến con đường phạm tội. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần được quan tâm, nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ massege, vũ trường, quán bar,... mọc lên để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Đây cũng là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, mặc dù công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế trong khâu đào tạo. Đó là việc quá chú trọng vào việc giáo dục kiến thức mà xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh. Cùng với đó là sự phối hợp quá lỏng lẻo giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con em của một bộ phận không nhỏ phụ huynh. Nhiều phụ huynh “quên đi” việc giáo dục con em về nhân cách, văn hóa ứng xử và trách nhiệm công dân đối với xã hội. Điều đó làm cho một bộ phận giới trẻ sống mờ nhạt, vô trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Từ đó, dễ bị tác động bởi văn hóa “độc hại” từ bên ngoài, là nguyên nhân dẫn đến tội phạm.

Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt sẽ góp phần giúp xã hội tốt đẹp, phát triển, tuy nhiên văn hóa gia đình hiện nay chưa được quan tâm “vun đắp” đúng mức. Các bậc cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình tất bật lo toan cuộc sống, không có nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của các thành viên trong gia đình. Tình cảm gia đình dần phai nhạt, dẫn đến mọi người không còn kính trọng, thương yêu, giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau. Một số gia đình rạn nứt, hôn nhân không hạnh phúc,... khiến nhiều trẻ em, TTN lạc lõng, tìm đến game online, các tệ nạn xã hội,... với mục đích tìm cảm giác lạ, thú vui vô bổ.

... và giải pháp

Để góp phần kéo giảm tình hình tội phạm, các cấp chính quyền cần xác định rõ nhiệm vụ chính trị quan trọng hiện nay, đó là cần gắn chặt việc quan tâm phát triển kinh tế với việc bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc; quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế phải đi đôi với việc phát triển và nâng cao chất lượng văn hóa; chú trọng xây dựng, bảo vệ những nền tảng văn hóa tốt đẹp đã được hình thành và xây dựng trong suốt chiều dài phát triển của đất nước. Quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, kỹ năng sống cho giới trẻ. Cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở khu dân cư, trường học, cơ quan,... nhằm đẩy lùi văn hóa phi truyền thống, không lành mạnh ra khỏi đời sống xã hội, góp phần kéo giảm tình hình tội phạm.

Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý các loại hình báo chí, phim ảnh và các sản phẩm văn hóa không lành mạnh; kiểm tra chặt chẽ các loại hình kinh doanh nhạy cảm như cơ sở massage, khách sạn, vũ trường, quán bar,... nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân vui chơi, giải trí. Quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề và tạo việc làm để người dân có thu nhập ổn định. Phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, nhà trường và gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục TTN,...

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn