Trợ giúp người khuyết tật

Cập nhật ngày: 22/07/2013 03:57:08

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương cùng hội đoàn thể nên công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) của tỉnh thời gian qua đạt những kết quả đáng khích lệ. Kết quả này tiếp tục được phát huy để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và tạo cơ hội để NKT được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ xã hội, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Theo số liệu thông kê, toàn tỉnh có trên 17.190 đối tượng khuyết tật. Trong đó, khuyết tật về vận động 7.670 người (44,65%), khiếm thị 2.532 người (14,73%), khiếm thính 1.151 người (6,7%), thiểu năng trí tuệ 2.700 người (15,71%), khuyết tật khác 3.137 người (18,24%); bệnh tâm thần có trên 2.570 người (chủ yếu là tâm thần phân liệt và rối loạn tâm thần) có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội; có trên 4.595 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Riêng đối tượng thuộc chính sách người có công là thương binh, có 8.325 người.

NKT sống chủ yếu dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Rất ít NKT còn khả năng lao động được nhận vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp mà chủ yếu tự lao động nông nghiệp, phụ giúp gia đình, thu nhập không đảm bảo đời sống. Phần lớn các gia đình có NKT đều có mức thu nhập thấp, thuộc diện hộ nghèo.

Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn tạo mọi điều kiện, phát huy truyền thống tốt đẹp như: Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, Vòng tay nhân ái,... đã vận động đóng góp chăm sóc người có công, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương và các hoạt động trợ giúp khác, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát cho các đối tượng chính sách, người có công và các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội.

Trong 4 năm (2007-2010), đã xét trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 58.275 lượt người, trong đó có 5.460 trẻ em mồ côi và 6.485 NKT nặng, 3.436 người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ nghèo, 33.637 người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên, 2.791 người mắc bệnh tâm thần thuộc tâm thần phân liệt hay rối loạn tâm thần, 14 người nhiễm HIV không còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, 3.508 gia đình, cá nhân nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trợ cấp cho 377 hộ gia đình có từ 2 người tàn tật nặng trở lên không tự phục vụ, 2.567 người đơn thân thuộc diện hộ nghèo đang nuôi con nhỏ.

Năm 2011, trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 40.371 đối tượng, trong đó NKT 4.919 người và năm 2012 số NKT được hưởng trợ cấp tăng lên 5.868 người. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động trợ giúp về y tế và phục hồi chức năng; đào tạo nghề; giáo dục hòa nhập;... cho NKT.

Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ đối tượng chính sách, người có công, đặc biệt là thương bệnh binh, người bị phơi nhiễm chất độc hóa học không dễ hòa nhập với đời sống bình thường. Nhiều người bị liệt nửa người, liệt toàn thân, tàn phế hệ vận động, thần kinh, bị vết thương hành hạ. Mặt khác, áp lực đời sống do kinh tế - xã hội phát triển, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật, tuổi già,... dẫn đến phát sinh nhiều đối tượng cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí,... luôn là vấn đề xã hội bức xúc hiện nay.

Trong giai đoạn 2013-2020, tỉnh cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT; hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, tạo điều kiện cho NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, vươn lên và hội nhập cộng đồng xã hội. Từ nay đến năm 2015, tỉnh tiến hành điều tra rà soát bổ sung đối tượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT, xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật theo hướng dẫn của Trung ương; đảm bảo 100% NKT thuộc diện bảo trợ được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; 100% đối tượng NKT đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng được cấp thẻ bảo hiểm y tế;...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn