Xuất khẩu lao động đang trong tình trạng “nhỏ giọt”

Cập nhật ngày: 27/09/2013 06:36:39

Đồng Tháp từng là tỉnh dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng từ cuối năm 2010 đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, tình hình XKLĐ của tỉnh đã trở nên trầm lắng, “nhỏ giọt”.


Còn hơn 100 hồ sơ chờ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc

Từ một tỉnh “trắng” về XKLĐ, nhưng chỉ trong 3 năm (2003 - 2005), Đồng Tháp đã đạt số lượng lao động xuất khẩu lên gần 2.000 người. Những năm 2006, 2007, công tác XKLĐ ở tỉnh vẫn tiếp tục sôi động với hơn 1.000 lao động được xuất khẩu mỗi năm. Lao động trong tỉnh chủ yếu xuất sang các thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và một số thị trường khác như Singapore, Ma Cao,... với các nhóm ngành: sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường chiếm trên 50% tổng số lao động xuất khẩu hàng năm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình XKLĐ lại trầm lắng, số lượng lao động xuất khẩu giảm mạnh. Năm 2011 toàn tỉnh có 125 lao động xuất khẩu (11 Đài Loan, 27 Malaysia, 6 Nhật Bản, 81 Hàn Quốc). Năm 2012, số lao động xuất khẩu tiếp tục giảm (chỉ có 68 người), giảm gần 50% so với năm 2011. Đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh chỉ xuất được 29 lao động, đặc biệt không có lao động nào được xuất sang thị trường Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng Phòng tư vấn việc làm - XKLĐ (Trung tâm Giới thiệu việc làm), số lượng lao động xuất khẩu giảm do nhiều nguyên nhân: một số lao động về nước trước thời hạn đã cung cấp những thông tin không tốt về XKLĐ và một số doanh nghiệp giải quyết những trường hợp lao động rủi ro về nước trước thời hạn không triệt để, gây mất lòng tin ở người lao động... Bên cạnh đó, còn do tâm lý người lao động chủ yếu muốn tham gia thị trường Hàn Quốc với thu nhập cao, các thị trường còn lại chưa thực sự thu hút người lao động. Mặt khác, chất lượng tay nghề lao động của tỉnh còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông nên rất ít cơ hội tham gia XKLĐ vào thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản. Về khách quan, sự suy giảm kinh tế và những bất ổn chính trị ở những thị trường truyền thống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình XKLĐ của địa phương.

Hàn Quốc là thị trường XKLĐ chủ lực của tỉnh trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, bỏ trốn, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao, nên từ tháng 8/2012 đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ lao động Việt Nam. Và hiện nay, Đồng Tháp vẫn còn trên 100 lao động đã qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, đang chờ cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

XKLĐ là một giải pháp quan trọng, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia XKLĐ để thoát nghèo.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn