Ngành y tế Đồng Tháp: ngày ấy, bây giờ

Cập nhật ngày: 04/05/2015 13:36:22

Trải qua muôn vàn gian khó thời chiến tranh, hòa bình lập lại, ngành y tế tỉnh nhà nỗ lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng cơ sở vật chất,... Dù thời điểm nào, y tế tỉnh nhà cũng luôn chú trọng đến sức khỏe và tính mạng của các cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân.

Cấp cứu tại nhà cho người dân vùng lũ. Ảnh: Đoàn Hồng

Không ngại hi sinh

Nghe bác sĩ Đoàn Hồng - nguyên Giám đốc Sở Y tế (từng là cán bộ y tá của dân y huyện Mỹ An vào năm 1970) kể về những thiếu thốn của ngành y tế thời chiến, những hi sinh, mất mát của cán bộ y tế tỉnh nhà khiến mỗi người đều không khỏi chạnh lòng và tự hào. Chiến tranh ác liệt, ngành y tế là một trong những ngành hậu cần đặc biệt quan trọng nên địch tìm mọi cách bắn pháo hoặc đánh bộ binh vào cơ quan y tế nhằm tiêu diệt lực lượng trong ngành. Hồi ấy, ngành y tế huyện Mỹ An và y tế tỉnh Kiến Phong thiếu thốn mọi bề cả về nhân lực, thuốc men, phương tiện phục vụ. Để có thuốc, nhiều cán bộ y tế phải ra vùng giặc bám cơ sở mua từng viên thuốc kháng sinh, cầm máu, hồi sức, dịch truyền phục vụ thương bệnh binh và bị địch phục kích. Nhiều khi thiếu thuốc phục vụ hồi sức, cấp cứu, để kịp thời chữa trị cho thương binh, phải dùng đến nước dừa, máu ổ bụng để làm dịch truyền; phải lên tận vùng giải phóng Campuchia để nhận những bộ dụng cụ viện trợ mang về phục vụ. Nhiều chuyến đi ấy, có những cán bộ y tế không kịp trở về vì trên đường vận tải bị địch phục kích.

Địa điểm ngành y tế đóng quân không lúc nào yên. Giặc thường xuyên đánh phá, đốt cơ quan nên phải di dời lều trại suốt. Các hầm bí mật, lều trại có khi vừa làm xong đã phải dời đi nơi khác. Mặc dù có ác liệt nhưng mục tiêu chính của cán bộ ngành y tế là phải đảm bảo an toàn cho thương binh nên trên đường đi, bằng cách khiêng, cõng đưa xuống hầm bí mật cũng không để địch bắt thương binh hoặc để thương binh chết trên đường đi do thiếu thuốc. Có những lần đang ở dưới hầm nhưng nghe được tiếng giặc đào công sự ở trên, nếu địch phát hiện thì chắc chắn ta bị tổn thất rất lớn.

Vùng mà dân y ở, địch không tới được thì bắn pháo, ném bom dày đặc nhằm phá hoại, tiêu diệt. Sự hy sinh của anh em dân y là thường xuyên. Có những anh em di chuyển thương binh, đi gài lựu đạn để bảo vệ thương binh như y tá Tuội, y tá Thành, y tá Nho,... đã bị địch bắn chết. Trong khó khăn nhưng phải bằng mọi cách quyết tâm bảo vệ thương binh, thà hi sinh chứ không để thương, bệnh binh bị giặc bắt, chết, nên lực lượng y tế tự đào rất nhiều hầm bí mật, những hầm trốn bom để chữa trị thương binh.

Khám, chữa bệnh nhân dân tại một cơ sở y tế. Ảnh: H.NGHĨA

Và thành tựu của 40 năm

Ngày giải phóng miền Nam, kỷ niệm khó quên nhất đối với cán bộ y tế thời ấy là trưa 30/4, khi đài báo tin chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, tất cả cán bộ dân y và các trạm xá đều tập trung nghe đài, xúc động, mừng vui. Lúc đó trời mưa rất lớn và kéo dài nhiều giờ liền nhưng anh em cứ ngồi ngoài mưa nghe đài giải phóng thông báo phương án tiếp quản của các đơn vị, trong đó có ngành y tế.

Ngày đất nước thống nhất, người dân cả nước nói chung, cán bộ ngành y nói riêng vui mừng khôn xiết nhưng bên cạnh đó còn lắm điều mà ngành phải xắn tay vào làm. Trước giải phóng, chế độ ngụy quyền không quan tâm đến công tác phòng, chống dịch trong nhân dân nên năm 1976, ngành y tế tỉnh có muôn việc phải bắt tay vào làm như phòng, chống các bệnh dịch sốt xuất huyết, thương hàn, dịch tả, bệnh bại liệt. Do không có điều kiện xây dựng nên ngành phải tổ chức hệ thống trạm y tế cấp xã, mượn nhà dân, đình, chùa,... làm trụ sở phục vụ cho công tác khám chữa bệnh nhân dân.

Trải qua 40 năm đổi mới, qua bao khó khăn, ngành y tế tỉnh nhà không ngừng nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành đã nỗ lực tập trung chỉ đạo và tổ chức phòng, chống tốt không để dịch bệnh lạ xảy ra; hạ thấp tỷ lệ tử vong các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng trong nhiều năm. Ngoài ra, tuyến y tế cơ sở được củng cố. Từ chỗ chưa có trạm y tế, nay tỉnh đã có 144 trạm đạt chuẩn quốc gia và duy trì tỷ lệ 100% trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh trung học hoặc y sĩ sản nhi. Ngành y tế tỉnh cũng phối hợp tốt hoạt động quân - dân y trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ và nhân dân tại bệnh viện (BV) tuyến tỉnh, huyện, các xã vùng biên giới.

Tại các BV từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chuyên dụng phục vụ bệnh nhân được đặc biệt chú trọng. Bác sĩ Tạ Tùng Lâm - Giám đốc BV Đa khoa Đồng Tháp cho biết, những năm 1990, trang thiết bị y tế của BV còn hạn chế, nhưng từ năm 2000 trở lại đây, BV đã triển khai nhiều chuyên khoa sâu, qua đó đã đầu tư nhiều trang thiết bị điều trị khá hiện đại. Đồng thời, BV Đa khoa Đồng Tháp cũng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ, tuyển dụng được nhiều bác sĩ giỏi điều trị tại các chuyên khoa sâu nên thời gian qua BV thực hiện được nhiều ca mổ khó, mang đến niềm vui và niềm tin cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, phát huy truyền thống và những thành tựu đạt được của ngành y tế, định hướng của ngành từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng hệ thống y tế tỉnh từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân; từng bước làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm; cải thiện các chỉ tiêu về sức khỏe, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ  những năm tháng chiến tranh đến thời quê hương hòa bình, phát triển, ngành y tế tỉnh nhà gặp muôn vàn gian khó. Song vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì công tác an sinh xã hội, ngành y tế luôn phấn đấu, hết lòng trước niềm tin yêu của nhân dân dành cho.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn