Cải cách hành chính - lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm mục tiêu phục vụ

Cập nhật ngày: 02/05/2021 05:10:02

ĐTO - Sở Nội vụ Đồng Tháp đã ban hành Phương án và Kế hoạch thực hiện khảo sát đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2021.

Mục tiêu là nhằm xác định Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và trên cơ sở Chỉ số hài lòng (SIPAS) tổng hợp, phân tích ý kiến, đề xuất của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Thông qua SIPAS và các thông tin thu được là căn cứ để tỉnh đề ra giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước.

Việc xác định Chỉ số SIPAS phải được thực hiện bảo đảm phản ánh khách quan, trung thực kết quả đánh giá của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã thuộc huyện; bảo đảm khoa học, độ tin cậy cao, chi phí thấp, phù hợp với nguồn lực của tỉnh; câu hỏi khảo sát phù hợp với hệ thống tiêu chí đánh giá, dễ hiểu, dễ trả lời.

Cuộc khảo sát sẽ được tiến hành trên phạm vi toàn tỉnh: cấp tỉnh bao gồm các sở, cơ quan ngang sở như: Nội vụ; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Tài chính; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngoại vụ; Giao thông Vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu kinh tế; Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; 12/12 huyện, thành phố và 143/143 xã, phường, thị trấn.

Đối tượng khảo sát là cá nhân, tổ chức đã thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và nhận kết quả đối với tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và đại diện cán bộ, công chức, viên chức có liên hệ công tác với các cơ quan, địa phương được khảo sát.

Các tiêu chí đo lường sự hài lòng gồm: tiêu chí đo lường sự cảm nhận của người dân đối với chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước (tiếp cận dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị; thái độ phục vụ của công chức; kết quả giải quyết TTHC; tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân về TTHC); tiêu chí đo lường sự hài lòng (hài lòng đối với tiếp cận dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị; hài lòng đối với thái độ phục vụ của công chức; hài lòng đối với kết quả giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước; hài lòng đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC).

Ngoài các tiêu chí trên, phiếu khảo sát còn mở ra các kênh thông tin qua các câu hỏi mở về nguyện vọng, mong muốn của cá nhân, tổ chức đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tới cần cải thiện những vấn đề gì để việc phục vụ, cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước được tốt hơn; sự am hiểu, tiếp cận thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính của cá nhân, tổ chức,... Quy mô mẫu khảo sát là 7.135 phiếu điều tra. Việc khảo sát sẽ được thực hiện theo 2 phương thức: khảo sát trực tiếp và thực hiện phỏng vấn qua điện thoại do Tổng đài viên Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 thực hiện; việc khảo sát tiến hành từ tháng 4 đến tháng 10/2021.

Khảo sát đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước giúp cho các cơ quan, địa phương thấy rõ được những nhu cầu, mong muốn và các khía cạnh hạn chế, ưu điểm của quá trình giải quyết TTHC. Từ đó có những giải pháp, nỗ lực hơn nữa để cá nhân, tổ chức ngày càng hài lòng hơn đối với việc cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

MINH THÙY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn