200 năm vùng đất Hồng Ngự qua sử liệu và di tích

Cập nhật ngày: 15/02/2018 07:13:54

Hồng Ngự ngày xưa là một vùng rộng lớn với hai bộ phận: phần cù lao (gồm: cù lao Cái Vừng, cù lao Chà-và, cù lao Tản Dù và cù lao Tây) và Hồng Ngự đất liền (gồm hai tiểu vùng: vùng An Long - An Phong và vùng Tam Thường). Dưới thời phong kiến, phần Hồng Ngự cù lao thuộc huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang, còn Hồng Ngự đất liền thuộc huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường.


Tờ chiếu ngày mùng 8 tháng 5 năm Gia Long thứ 16 (1817) bổ nhiệm Thất ngọc hầu Hồ Văn Thất quản thủ 3 đạo Tân Châu, Chiến Sai, Hùng Ngự

Sử sách ghi nhận tên gọi ban đầu của Hồng Ngự ngày nay bắt nguồn từ tên Hùng Ngự (), lâu dần “Hùng” nói trại thành “Hồng”. Sách Đại Nam thực lục chánh biên cho biết: “Tháng 7 năm Gia Long thứ 12 (1813), vua cử Cai cơ Trương Phước Quyền quản thủ 3 đạo Tân Châu, Chiến Sai và Hùng Ngự” . Tên gọi Hùng Ngự bắt đầu từ đây. Trước đó, để phòng thủ và giữ yên vùng biên cương phía Nam, sau khi thu phục được đất Gia Định (tức Nam kỳ), Nguyễn Ánh cho thiết lập hệ thống đồn thủ ở dọc theo biên giới. Ở cửa ngõ sông Tiền, đạo Tân Châu kiêm quản hai thủ Hùng Thắng(1) và Chiến Sai(2). Tên thủ Hùng Thắng chính là tiền thân của tên Hùng Ngự.

Triều Nguyễn đặt chức Quản thủ để cai quản vùng đất nầy. Thường thì vị Quản thủ được cử đến đây trấn nhậm sẽ được giao nhiệm vụ kiêm quản cả 3 đạo thủ Tân Châu, Chiến Sai và Hùng Ngự. Kể từ năm 1792 cho đến cuối triều vua Minh Mạng, sử sách còn lưu danh các vị từng kinh qua chức vụ nầy: Khâm sai Cai cơ Nguyễn Đức Thành (1792), Cai cơ Trương Phước Quyền (1813), Khâm sai Cai cơ Hồ Văn Thất (1817), Khâm sai Cai cơ Võ Văn Sáng (1817), Ngoại ủy Quản cơ Lê Văn Chánh (1826) và Phó Vệ úy Đặng Phước Cần (1829).

Đầu đời Gia Long, thủ sở của đồn thủ Hùng Ngự đặt tại địa phận sông Đốc Vàng Thượng và Đốc Vàng Hạ (nơi nầy về sau nhân dân lập đền thờ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng gọi là Dinh Ông Đốc Vàng). Đến năm 1818, nhận thấy cửa ngõ sông Tiền thông sang Chân Lạp đóng vai trò quan trọng trên tuyến phòng thủ biên giới, vua Gia Long lệnh cho đạo thủ Tân Châu và hai đồn thủ Hùng Ngự, Chiến Sai dời lên sát biên giới. Thủ sở Hùng Ngự mới đặt tại bảo(3) Hùng Ngự, vị trí bảo nầy nằm ở cửa dưới, phía đông sông Hiệp Ân (tức sông Sở Thượng). Năm 1837, vua Minh Mạng chọn nơi nầy làm chỗ thu quan thuế. Năm 1841, vua Thiệu Trị cho đắp thành đất, sử dụng đến năm 1848. Về sau chánh quyền Sài Gòn cho xây dinh quận Hồng Ngự và ngày nay là khu Mêkong Resort. Song song với việc dời thủ sở Hùng Ngự, năm 1819, vua Gia Long tiếp tục cho dời thủ sở Thông Bình từ thôn Vĩnh Thạnh (nay thuộc huyện Vĩnh Hưng, Long An) đến sông Vàm Dừa (tức sông Sở Hạ).

Cho đến năm 1836, vùng Hồng Ngự đất liền nằm trong thôn An Long và một phần An Phong, tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Đăng (sau là Kiến Phong), tỉnh Định Tường. Di tích còn lại của thôn An Phong ngày nay là đình An Phong, hiện còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong với đạo sắc sớm nhứt được cấp vào năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị.

Năm 1838 để lập phủ Kiến Tường, huyện Kiến Đăng tách tổng Kiến Phong ra và nâng lên thành huyện Kiến Phong. Vùng Hồng Ngự đất liền (trừ phần đất Tam Thường) thuộc huyện Kiến Phong. Vùng đất Tam Thường vẫn do An Giang cai quản; đến năm Thiệu Trị thứ tư (1844), mới giao lại cho huyện Kiến Phong (tỉnh Định Tường) quản lý.

Vùng Tam Thường chuyển giao cho tỉnh An Giang, thuộc quản hạt của huyện Đông Xuyên; ở vùng này thành lập ba thôn: Thường Lạc, Thường Phước, Thường Thới. Đến nay, dấu tích còn lại của các thôn này là một số đình thần như đình Thường Lạc - được xây dựng vào năm 1822 với sắc phong Tự Đức ngũ niên (1852), đình Thường Phước - xây dựng năm 1883 với sắc phong do vua Bảo Đại cấp.

Vùng cù lao khai phá thời Gia Long thành lập được ba thôn: Long Thuận, Phú Thuận, Long Khánh. Trong đó thôn Long Khánh thành lập sớm hơn, đến năm 1830, đình làng được xây cất, thờ Thành Hoàng bổn cảnh, được vua Tự Đức ban sắc phong vào năm 1852. Trên cù lao Tây thành lập thôn Tân Hưng, về sau phát triển thành ba làng Tân Huề, Tân Quới, Tân Long.

Theo các tài liệu cổ cho biết dân cư buổi đầu nơi vùng đất nầy phần nhiều là dân lưu tán có nhiều nguồn gốc, đến từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng nhìn chung phần lớn là những người can trường, có khí phách, không khuất phục bất công áp bức... Tinh thần này truyền đến các thế hệ sau, tạo nên nét riêng của cư dân miền biên giới.

Ngoài những đợt di dân tự phát và chuyển cư tại chỗ, trong tiến trình khai hoang lập ấp, Đồng Tháp nói chung, Hồng Ngự nói riêng còn tiếp nhận nhiều đợt di dân cơ chế mà phần lớn là dân nghèo được chiêu mộ, binh lính và số ít tù phạm đến khai phá trong các đồn điền do triều đình lập ra. Song song với công cuộc khai hoang, để giải quyết cuộc sống trước mắt trong khi ruộng đất chưa thuần thục, lưu dân tiến hành khai thác lâm thủy sản. Do địa thế bồn trũng của Đồng Tháp Mười, nhứt là khu vực ven sông Tiền, sông Bát Chiên (Vàm Cỏ Tây), ở hai rạch Hầu Diện Thượng, Hầu Diện Hạ là những khu vực tập trung vô số cá tôm, nhứt là vào mùa nước rút.

Các sách cổ như Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt từng đề cập đến sự phong phú, đa dạng của lâm thủy sản Đồng Tháp Mười nói chung, Hồng Ngự nói riêng, nhứt là tôm cá. Chính nguồn lợi thủy sản phong phú này đã góp phần qui định loại hình sinh hoạt kinh tế ngay từ buổi đầu khai hoang lập ấp. Trước khi canh tác lúa trở thành nguồn huê lợi chủ yếu, đã có một thời gian khá dài, cư dân địa phương chuyên nghề khai thác cá.

Đến năm 1836, toàn vùng có tới 1.070 miệng đìa, thôn An Long chỉ có 31 thửa ruộng, 83 thửa đất trồng khoai đậu và 32 mảnh vườn nhưng có tới 300 khẩu đìa. Riêng hai con sông Sở Thượng, Sở Hạ - sở dĩ mang tên này vì trên đó phân thành 68 đoạn để cho đấu giá khai thác cá (gọi là sở thủy lợi), chia thành hai sở: Sở Trên (tức Sở Thượng), Sở Dưới (tức Sở Hạ) và ghi vào văn bản bằng chữ Hán là Hầu Diện thượng và Hầu Diện hạ. Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong mô tả:

Mặt - Dòn(4) thượng hạ song song,

Hầu Diện thượng, hạ chữ trong bộ làng.

Tiếng kêu hai xứ rõ ràng,

Sở Trên, Sở Dưới muôn ngàn đông dân.

Và cũng chính nghề khai thác cá ở đây đã đưa đến việc nhà nước quân chủ lúc bấy giờ phải cấp sắc phong Đại Càn quốc gia nam hải, bên cạnh sắc Thành hoàng bổn cảnh cho các thôn chuyên nghề cá ở Hồng Ngự và Đồng Tháp Mười, để nhân dân các thôn này thờ vị thần linh của nghề với tục cúng “cầu ngư” - cầu ngư cá sông, cá đồng, không phải là cầu ngư của nghề cá biển. Qua sắc phong Đại càn quốc gia nam hải và lịch sử cư dân Đồng Tháp Mười nói chung, ta có thể nói rằng, tín ngưỡng thờ Bốn bà Đại càn ở đây là một dạng tín ngưỡng ngư nghiệp. Tín ngưỡng nầy được hình thành trong quá trình giao tiếp văn hóa giữa các dân tộc Việt, Chăm, Hoa. Nó là một dạng sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm nét bản địa trải mấy trăm năm qua.

Đến thời thuộc Pháp, nguồn lợi cá vẫn được quan tâm đặc biệt. Theo sách Monographie de la Province de Châu Đốc (in năm 1903), quận Hồng Ngự bán ra 31.700 tạ cá tươi, 7.200 tạ cá khô và 3.500 tạ mắm, theo đó, có thể hình dung được phần nào mức độ dồi dào, phong phú của nguồn thủy sản tự nhiên ở vùng Hồng Ngự vào đầu thế kỷ 20.

Ngày 19/12/1929, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Châu Đốc, gồm 27 làng thuộc 3 tổng, trong đó 17 làng thuộc Hồng Ngự. Đến đây, lần đầu tiên tên gọi Hồng Ngự xuất hiện trên văn bản với tư cách đơn vị hành chánh cấp quận.

Như vậy từ tên một đồn thủ có chức năng biên phòng và quan thuế đã chuyển hóa dần, Hùng Ngự trở thành Hồng Ngự, rồi địa danh Hồng Ngự từng bước được dùng để chỉ cả một khu vực rộng lớn vùng Hồng Ngự (bao gồm thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và huyện Tân Hồng ngày nay). Trải hơn hai thế kỷ, vùng đất Hồng Ngự ngày nay chính là sự kết tinh mồ hôi và xương máu, trí tuệ và bản lãnh của nhiều thế hệ người địa phương, bắt đầu từ khai thác nguồn lợi tự nhiên rồi sản xuất nông nghiệp, từ bảo vệ cương vực lãnh thổ thời phong kiến đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, người Hồng Ngự đã cùng với cả dân tộc bước vào thời đại mới, viết thêm những trang sử mới cho Tổ quốc Việt Nam.


(1). Tên gọi Hùng Thắng lấy theo tên đội biên phòng Hùng Thắng trấn đóng tại vàm Đốc Vàng.

(2). Chiến Sai do gọi trại từ tiếng Khmer: kiên svai (có nghĩa là chòm xoài, nay thuộc xã Tú Điền, Chợ Mới, An Giang).

(3). Thành đắp bằng đất.

(4). Mặt-Dòn: có lẽ do hai tiếng “mặt dồn”, là tiếng nhà nghề của dân đánh cá, chỉ mặt phía trước của đăng, vó, đáy... nơi cá dồn lại trước khi phải chịu chui vào rọ.

Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn