Bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Cập nhật ngày: 18/05/2024 13:03:43

Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành vượt mức toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc ngày 18/5. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc, bế mạc Hội nghị.


Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, điều hành phiên bế mạc. Đồng chí Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị đối với các ý kiến thảo luận của Trung ương tại Hội nghị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát những kết quả chủ yếu của Hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII  (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Dự thảo các văn kiện phải thể hiện ý chí, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thời kỳ mới

Tổng Bí thư yêu cầu, các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội nghị, hoàn thiện các Đề cương, bảo đảm sự thống nhất giữa các báo cáo, nhất là về chủ đề, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu tổng quát; trên cơ sở đó sớm bắt tay xây dựng dự thảo các văn kiện theo kế hoạch đã đề ra; trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện phải thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được ý chí và sức mạnh vươn lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, động lực mới, cũng như những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Các dự thảo văn kiện phải xác định đúng đắn những chủ trương, định hướng và các quyết sách lớn bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới, đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Tổng Bí thư yêu cầu, quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011); đồng thời đánh giá một cách khách quan, khoa học toàn diện các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới. Từ đó, xác định đúng đắn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới.

Tổng Bí thư gợi mở nhiều vấn đề cần nghiên cứu trong quá trình dự thảo văn kiện: Phải chăng sau 40 năm đổi mới, chúng ta đã thực sự hình thành được Lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam; trong nhiệm kỳ này, cần tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt 12 định hướng phát triển đất nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm như trong Đề cương Báo cáo Chính trị đã nêu? Đặc biệt là, nên chăng, trong giai đoạn phát triển mới vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII đề ra; tuy nhiên, cần tập trung vào những nội dung rất then chốt, cụ thể hơn, như: xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá phát triển; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài; và xây dựng kết cấu hạ tầng cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, để thực sự tạo ra đột phá phát triển?


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, quá trình dự thảo văn kiện, cần đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, khẳng định những kết quả, thành tựu đã đạt được; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; làm rõ những nội dung đổi mới, những nhân tố mới tốt hơn, tích cực hơn của nhiệm kỳ khóa XIII so các nhiệm kỳ trước; đồng thời dự báo khả năng thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng liên quan phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Thảo luận dân chủ, cho ý kiến chỉ đạo việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng

Tại Hội nghị, Trung ương đã tập trung thảo luận, phân tích, tạo sự đồng thuận cao những nội dung Bộ Chính trị xin ý kiến, bao gồm: Những nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW còn phù hợp; những nội dung cần kế thừa nhưng phải điều chỉnh, bổ sung; những nội dung cụ thể hóa các nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII,...

Tổng Bí thư yêu cầu, đây là công việc hệ trọng, cần sớm được triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thảo luận, góp ý vào các dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV và đại hội đảng bộ cấp trên; đồng thời chuẩn bị thật tốt các báo cáo của cấp ủy cấp mình.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ cần quán triệt định hướng chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội XIV; bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đánh giá đúng tình hình thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới và tầm nhìn xa hơn. Việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải gắn liền việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong Nhân dân.

Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.

Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị, sau Hội nghị này, khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành Chỉ thị để định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội các cấp, góp phần cho thành công Đại hội XIV của Đảng.


Quang cảnh Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Quyết định một số vấn đề quan trọng về công tác cán bộ

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị với tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao, các đồng chí: Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.


Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định để đồng chí Trương Thị Mai thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để nghỉ công tác vì đã có vi phạm về các điều đảng viên không được làm.

Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vì đã vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XIII (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tổng Bí thư yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, cần phải nghiêm túc, khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội, trình Hội nghị Trung ương 10 xem xét, quyết định để gửi xin ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp; chỉ đạo thật tốt việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2024 - 2025 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo BẮC VĂN (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn