Cần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Cập nhật ngày: 19/12/2012 04:34:37

Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2007 đến cuối tháng 6/2012, tỉnh Đồng Tháp đã cử đi đào tạo sau đại học 637 người, trong đó, ngành Giáo dục - Đào tạo chiếm 59%; đại học 2.774 người; lý luận chính trị - hành chính 614 người; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165 được 76 người; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh 1.353 người; kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên cán sự 1.520 người; công tác đảng, đoàn thể, chuyên môn nghiệp vụ 14.180 người.

Nhìn chung, qua đào tạo, bồi dưỡng, trình độ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, sau 5 năm, trình độ chung tăng hơn 10% (hiện nay, đạt 78% về chuyên môn, 84% về lý luận chính trị - hành chính), góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, tình trạng chạy theo bằng cấp, lựa chọn các ngành dễ thi, dễ trúng tuyển, không xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị vẫn còn diễn ra. Đào tạo theo yêu cầu của cá nhân, không xuất phát từ yêu cầu của công tác cán bộ nói chung.

Công tác xét duyệt cử cán bộ đi học ở các huyện, thị, thành phố, các ngành tỉnh có lúc thiếu chặt chẽ, nặng về tình cảm, chưa đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. Chất lượng học tập ở các lớp lý luận chính trị - hành chính chưa cao, người học có tư tưởng học để có bằng cấp, chưa xác định việc học tập lý luận chính trị - hành chính là cần thiết phục vụ công tác. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nói chung còn rất hạn chế, hầu hết không đáp ứng được yêu cầu khi chiêu sinh đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nên trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và lâu dài, chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở; quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng theo đúng kế hoạch, quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh cán bộ; cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan khâu tuyển chọn, chú trọng đào tạo những cán bộ trẻ có triển vọng, năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ lâu dài; công tác đào tạo cán bộ phải đồng bộ với tiêu chuẩn chức danh đã được quy hoạch trước khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử.

Coi trọng chất lượng dạy học và quản lý học viên trong suốt quá trình đào tạo, bồi dưỡng; tính toán hợp lý việc đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao cho từng đối tượng cán bộ nhằm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm kinh phí đào tạo; kiên quyết không cử đi học bằng ngân sách Nhà nước với những trường hợp xin đi học theo nguyện vọng cá nhân hoặc không có trong quy hoạch cán bộ của địa phương, đơn vị. Khi phối hợp mở lớp tại địa phương, phải cân nhắc kỹ việc chọn ngành nghề, đối tượng cử đi đào tạo, tránh tình trạng chạy theo bằng cấp, đào tạo cùng ngành nghề cho quá nhiều đối tượng hoặc đào tạo sau đại học ở các ngành, lĩnh vực chưa thật sự cần thiết cho mục tiêu phát triển của địa phương.

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực sự đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần phải được chấn chỉnh kịp thời và sự quan tâm của các cấp, các ngành và cá nhân liên quan trong thời gian tới.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn