Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển

Cập nhật ngày: 01/06/2015 05:45:39

Nhân lực có vai trò then chốt trong các yếu tố cấu thành nguồn nhân lực (NNL) của xã hội. Có được NNL tốt sẽ quyết định việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền ở Đồng Tháp đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện và đã có những chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng NNL của tỉnh nhà.

Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng NNL tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015, một trong những giải pháp hữu hiệu trước tiên là đào tạo và phát triển NNL. Việc nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học được thực hiện với nhận thức: chất lượng giáo dục các cấp học là nền tảng, tiền đề quan trọng, quyết định chất lượng NNL. Ngành giáo dục và đào tạo đã đề ra kế hoạch nâng cao chuẩn năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện các biện pháp tạo sự chuyển biến cơ bản về đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đối với từng cấp học. Kết quả năm học 2013-2014 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT là 98,11%, bổ túc THPT là 86,86%.

Đối với NNL phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã ban hành Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020. Các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề đã dạy nghề cho 82.814 người. Sau học nghề có từ 75% - 80% lao động có việc làm. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của các hợp tác xã, tổ chức liên kết sản xuất luôn được quan tâm.

Hệ thống đào tạo các cấp trong tỉnh đã được xây dựng, củng cố và nâng cao. Tỉnh đã thành lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, tránh lãng phí, phù hợp với khả năng và nhu cầu thực tế của địa phương. Toàn tỉnh có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, nhiều trường trung cấp nghề và giáo dục thường xuyên; trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật hướng nghiệp của tỉnh và cấp huyện hoạt động có hiệu quả; các xã, phường đều có trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng giáo viên quản lý, dạy nghề được quan tâm bằng nhiều hình thức. Đến nay đã có 100% cán bộ quản lý, giảng viên các trường cao đẳng, đại học đạt chuẩn, 90% giáo viên, giảng viên các trường đạt chuẩn theo quy định.

Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, được chú trọng quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tính đến cuối năm 2014, đã có 208 người có trình độ sau đại học; 1.857 CBCC có trình độ, trung cấp, cao đẳng, đại học. Hiện đã có 94,53% CBCC hành chính được đào tạo, đáp ứng theo chuẩn quy định, 90% CBCC lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bối dưỡng trước khi bổ nhiệm; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc.

Nhìn chung, sự đồng thuận, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ trong những năm qua về thực hiện việc nâng cao chất lượng NNL đã mang lại hiệu quả. NNL từ tỉnh đến cơ sở được nâng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu lao động xã hội, góp phần đáng kể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, còn những hạn chế cần tập trung khắc phục như: chỉ tiêu và biện pháp nâng cao chất lượng NNL chưa cụ thể và thiếu tính khả thi; số người qua đào tạo nghề có tăng nhưng chất lượng chưa cao; đội ngũ CBCC, viên chức tuy đã có chuyển biến về chất lượng nhưng một bộ phận còn bộc lộ hạn chế về năng lực, dẫn đến hiệu quả thực hiện các công việc được giao chưa cao; quy mô đào tạo, cơ cấu trình độ và ngành nghề chưa cân đối với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong tỉnh; các cơ sở đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực địa phương...

Trong thời gian tới, tiếp tục xác định NNL chất lượng cao là một trong các nguồn lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, tỉnh huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác nâng cao chất lượng NNL; các ngành, các cấp cần nâng cao nhận thức và hành động thiết thực, khả thi, tập trung khai thác nguồn lực con người nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế và hội nhập.

HOAN HUYỀN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn