Diện mạo mới ở một huyện 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng

Cập nhật ngày: 30/04/2022 06:27:42

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220430062821huyencaolanh22.mp3

 

ĐTO - Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân huyện Cao Lãnh đã lập nên kỳ tích chuyển từ một huyện thuần nông thành một địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng, khởi sắc với mô hình nông thôn mới mang dáng dấp hiện đại. Huyện Cao Lãnh 2 lần được công nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” và “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. Đó là tâm huyết của các thế hệ cán bộ, đảng viên và vai trò to lớn của Nhân dân đã dày công vun đắp qua các thời kỳ lịch sử.


Đảng bộ chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới
vào tháng 4/2021

Tiếp nối truyền thống anh hùng cách mạng

Huyện Cao Lãnh là vùng đất giàu truyền thống anh hùng và cũng được xem là vùng đất có rất nhiều khó khăn với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Về Cao Lãnh hôm nay, mỗi người chúng ta đều không khỏi bất ngờ trước sự thay da, đổi thịt của vùng đất thân thương này. Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân Cao Lãnh đã lập nên kỳ tích trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu, đã chuyển từ một huyện thuần nông thành một địa phương có cơ cấu kinh tế đa dạng, khởi sắc với mô hình nông thôn mới mang dáng dấp hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 lần so với năm 2010.

Còn nhớ, với thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Cao Lãnh có 9/18 xã, thị trấn và 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Đồng chí Trần Văn Lập (SN 1953) - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh cho biết, cuộc chiến nào cũng không ít cam go, cũng cần lắm sự quyết tâm và lòng quả cảm. Nhiều người đã từng gắn bó máu thịt, thậm chí hy sinh xương máu cho thành quả hôm nay của xã Bình Thạnh. Phát huy truyền thống đó, Nhân dân Bình Thạnh cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận của Nhân dân trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Kết quả năm 1976, xã Bình Thạnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.


Xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh) được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới

Trong giai đoạn hòa bình và xây dựng đất nước, đặc biệt từ năm 2001, Bình Thạnh tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế, phát triển đa dạng các mô hình làm ăn hiệu quả, nhất là phong trào xây dựng đê bao bảo vệ hàng ngàn héc-ta vườn cây ăn trái kết hợp với giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ đó, diện mạo của xã Bình Thạnh ngày càng thay đổi, thu nhập của người dân được nâng lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đến nay thu nhập của người dân xã Bình Thạnh gần 61 triệu đồng/người/năm, là 1 trong 30 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Hiện tại, xã Bình Thạnh đang thay đổi theo hướng nông thôn hiện đại. Năm 2014, xã Bình Thạnh đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. Đến tháng 4/2021, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới, đã minh chứng cho sự phấn đấu không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cao Lãnh.

Tự hào trước những đổi thay vô cùng to lớn và sâu sắc của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cao Lãnh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào những mục tiêu cao hơn, xa hơn ở phía trước. Cụ thể là trong những năm qua, huyện Cao Lãnh đã biết phát huy nội lực để đưa Cao Lãnh tiến lên phía trước theo hướng văn minh - hiện đại.


Một góc của trung tâm thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Cơ cấu kinh tế của huyện Cao Lãnh đã chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ hàng năm. Diện tích cây lúa đến năm 2021 là 84.874ha, trong đó lúa chất lượng cao hơn 70.200ha, là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về sản lượng lương thực. Huyện chú trọng thúc đẩy “tinh thần hợp tác” trong nông dân, trong đó có 18 Hội quán nông dân hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương, tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể.

Huyện Cao Lãnh có 7/23 hợp tác xã (HTX) kiểu mới được thành lập từ nền tảng Hội quán nông dân với tổng số gần 1.800 thành viên, trong đó có 3 HTX gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (xã Gáo Giồng), HTX Xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương), HTX Chanh Bình Thạnh (xã Bình Thạnh) được chọn tham gia thực hiện thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020, góp phần hoàn thành tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Cao Lãnh từng bước tạo mối liên kết tiêu thụ nông sản cũng như dẫn dắt nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Đối với cây ăn quả, nhiều diện tích vườn sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” cho HTX Sản xuất và Tiêu thụ Xoài xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh.

Huyện Cao Lãnh tập trung xây dựng, cảnh quan, môi trường, cơ sở hạ tầng đô thị cũng như bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đến 2020, tất cả các xã trên địa bàn huyện Cao Lãnh đều đạt 19/19 tiêu chí, đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu (xã Bình Thạnh, xã Mỹ Xương). Sau đó, Trung ương thẩm định hồ sơ và khảo sát thực tế, kết quả Cao Lãnh được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy Cao Lãnh cho biết, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, ngày 8/10/2015, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cao Lãnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về việc phấn đấu xây dựng huyện Cao Lãnh đạt danh hiệu “Anh hùng Lao động” giai đoạn 2015 - 2020. Đến nay, huyện Cao Lãnh được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới, qua đó diện mạo của địa phương ngày càng thay đổi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.


Hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trên địa bàn huyện Cao Lãnh

Việc lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định phát triển hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn là khâu đột phá, nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Bằng quyết tâm chính trị trong toàn Đảng bộ, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, Huyện ủy và UBND huyện Cao Lãnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng các hệ thống thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, trường học và xây dựng đô thị với tổng số hàng trăm công trình, tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt chủ trương xây dựng hệ thống đê bao kết hợp giao thông nông thôn vừa bảo vệ sản xuất lúa và vườn cây ăn quả, vừa phục vụ việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương.

Cũng theo đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu, chặng đường mới đã mở, nhiều thời cơ và thách thức đan xen nhưng địa phương luôn có niềm tin với sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ về phát triển vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung nhằm khai thác tối đa tiềm năng của vùng đất giàu tiềm năng nông nghiệp. Dòng sông Tiền nên thơ cùng với vườn cây ăn trái, những giá trị truyền thống văn hóa không phải nơi nào cũng có được. Nếu biết chăm chút từ cơ hội, khai thác từng lợi thế thì tương lai huyện Cao Lãnh sẽ là một những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp, là địa điểm yêu thích trên bản đồ du lịch của tỉnh và khu vực; du khách sẽ không thể bỏ qua trong hành trình tham quan thành phố hoa Sa Đéc - miệt vườn Cao Lãnh - Đồng sen Tháp Mười trong tương lai. Định hướng này cũng là một phần trong chiến lược phát triển của tỉnh, đưa du lịch “Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn cho tổng thu nhập của người dân.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn