Đồng Tháp vươn mình nâng cao vị thế

Cập nhật ngày: 27/04/2015 14:03:51

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, phóng viên Báo Đồng Tháp có buổi trò chuyện cùng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan về sự đồng tâm hiệp lực, chung tay xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong suốt chặng đường 40 năm...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu tại một chương trình họp mặt doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Hiền

Phóng viên (PV): Xin Bí thư vui lòng chia sẻ cảm nhận của mình về những đổi thay, thành tựu trên mặt trận kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

Bí thư Lê Minh Hoan: Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp bắt tay vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống từ điểm xuất phát thấp: một nền nông nghiệp lạc hậu, đất đai hoang hóa, chua phèn; chỉ một vài cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé; giao thông cách trở, cắt khúc; trên một phần tư dân số mù chữ. Không những vậy, chúng ta lại phải huy động sức người, sức của vào nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.

Suốt chặng đường 40 năm đó, bắt đầu từ quyết tâm tiến công chinh phục Đồng Tháp Mười, chúng ta đã biến một vùng đất chua phèn, hoang hóa thành những cánh đồng lúa mênh mông, năng suất cao, đưa sản lượng lúa đạt trên 3 triệu tấn mỗi năm. Đồng Tháp vươn mình phát triển từ chính những tiềm năng vốn có, tạo nên nhiều thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phương thức sản xuất nông nghiệp được đổi mới, nhiều mô hình liên kết, hợp tác đã phát huy hiệu quả tích cực, sản lượng và giá trị lúa gạo, thủy sản, trái cây tăng nhanh, đứng ở nhóm đầu quốc gia...

Lĩnh vực công nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế, nhiều khu, cụm, tuyến công nghiệp với hạ tầng đồng bộ đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài tỉnh, có cả nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp (DN) tăng nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao; thu hút được một số DN đầu tư vào các huyện vùng sâu, biên giới.

Kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, cả trong vùng sâu Đồng Tháp Mười và Nam sông Tiền, nông thôn mới dần được định hình. Hạ tầng KT-XH và cung cấp các dịch vụ thiết yếu đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và dân sinh. Các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp; quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề tăng khá, thu hẹp khoảng cách về điều kiện học tập giữa nông thôn và thành thị; cơ sở y tế được triển khai rộng khắp với các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực, huyện và các trạm y tế cấp xã. Triển khai kịp thời và có hiệu quả các chính sách xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, tỷ lệ hộ nghèo, hộ nghèo phát sinh và hộ tái nghèo giảm dần hàng năm.

P.V: Năm 2015 cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đến nay, Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào khi triển khai thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh đề ra. Thưa Bí thư! Như vậy, những kết quả quan trọng nào trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 sẽ tiếp tục là nền tảng để tỉnh nhà phát huy trong thời gian tới?

Bí thư Lê Minh Hoan: Hình ảnh, vị thế Đồng Tháp sau 40 năm đã được thay đổi theo hướng tích cực, từ đô thị đến nông thôn, từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội. Nhiều mô hình KT-XH, cải cách hành chính của chúng ta được cả nước biết đến và nhân dân đồng thuận. Đội ngũ lãnh đạo luôn năng động, sâu sát, cầu thị, tạo được sự kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để tiếp thu được nhiều ý kiến tư vấn và phản biện rất xác đáng. Sự đồng hành giữa chính quyền và cộng đồng DN tạo ra sức bật từ trong nội lực và chỉ số năng lực cạnh tranh luôn ở nhóm đầu giúp thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Bộ máy làm việc gần dân hơn, sát cơ sở hơn. Chúng ta mạnh dạn vượt lên chính mình, tạo được sự đồng thuận trong tầm nhìn, sớm nhận diện và chủ động thay đổi tư duy lãnh đạo điều hành trước sự vận động nhanh của xã hội. Chúng ta đã chuẩn bị được một đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các ngành, địa phương trẻ, có tri thức, nhanh nhạy với cái mới, không tự bằng lòng mà luôn mong muốn và quyết tâm thay đổi. Đó chính là bài học kinh nghiệm, là nền tảng để chúng ta tự tin bước vào nhiệm kỳ 5 năm tới.

P.V: Những năm qua, mối quan hệ giữa chính quyền tỉnh nhà với nhân dân, DN ngày càng thân thiện hơn, giúp cho người dân tiếp cận thông tin đa chiều, đầy đủ về địa phương. Đặc biệt, Đồng Tháp đang chuẩn bị thông qua Đề án “Nâng cao hình ảnh địa phương”. Xin Bí thư cho biết một số điểm nổi bật của Đề án này?

Bí thư Lê Minh Hoan: Trong tiến trình phát triển, trong cuộc đua thu hút nguồn lực, thì năng lực cạnh tranh có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển giữa các địa phương. Và, cạnh tranh không dừng lại ở cấp độ thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN mà còn bằng thương hiệu địa phương. Ở cấp độ địa phương, thương hiệu được hình thành từ hình ảnh đội ngũ lãnh đạo của địa phương đó. Việt Nam có 63 tỉnh, thành đang cùng cạnh tranh quyết liệt bằng lợi thế so sánh với nhau. Chúng ta không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, xa các trung tâm động lực, không nằm trên các trục phát triển chính. Chúng ta đã cố gắng suốt cả một nhiệm kỳ để cải thiện hình ảnh, phấn đấu vượt qua “lời nguyền khuất nẻo” đó và đã có những thành công nhất định, tuy nhiên, để có bước bức phá thì cần nhiều nhân tố khác. Ngày nay, cạnh tranh ngoài nguồn lực cứng như: tài nguyên thiên nhiên, kết cấu hạ tầng, vị trí địa lý, còn có một nguồn lực khác, nguồn lực con người và hồn văn hóa địa phương. Đề án “Nâng cao hình ảnh địa phương” nhằm hướng đến mục đích xây dựng nguồn lực mềm. Chúng ta định vị hình ảnh Đồng Tháp bằng hình ảnh một nền nông nghiệp mang lại “giá trị xanh từ những tiềm năng xanh”, một hình ảnh du lịch “Thuần khiết như hồn Sen”. hình ảnh người Đồng Tháp thân thiện, đậm chất văn hóa. Chúng ta định vị hình ảnh Đồng Tháp như là nơi ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Chúng ta hướng đến những giá trị cốt lõi: “Lấy lợi ích người dân, DN và nhà đầu tư làm nền tảng chính sách; lấy văn hóa truyền thống làm bản sắc địa phương; lấy tri thức, sáng tạo và khoa học kỹ thuật làm động lực phát triển; lấy công nghệ xanh làm nên sự phát triển bền vững; liên kết kết làm nên thịnh vượng; lấy sự khác biệt làm nên lợi thế”.

Nâng cao hình ảnh địa phương là một nhiệm vụ không phải ngày một ngày hai, mà cần phải kiên trì, đi từng bước, đi vào từng nhóm đối tượng trong xã hội. Nhưng trước hết, Đề án có thành công hay không phải cần đến một quyết tâm chính trị, một sự cam kết nhất quán, xuyên suốt của đội ngũ lãnh đạo địa phương, sự thẩm thấu và tham gia của người dân.

PV: Xin cảm ơn Bí thư!

Thanh Hiền (Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn