Làm “việc gì có lợi cho dân”
Cập nhật ngày: 06/05/2025 10:26:49

ĐTO - Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, một số phong trào làm theo “Phong cách Hồ Chí Minh” và “Tấm gương những người Cộng sản” đã góp phần tạo nên sự nghiệp vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tiếp nối thành quả của phong trào, những năm gần đây, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” đang phát triển sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Mặc dù, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đề cho từng năm, nhưng nội dung xuyên suốt vẫn là “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu và hành xử một cách tự giác của cán bộ, công chức, viên chức.
Hiểu một cách đơn giản, “lợi” thì trái với “hại” - “Lợi bất cập hại”. Lợi là có ích và thường ghép hai từ này thành lợi ích. Lợi nói ở đây là lợi cho dân. Dân được hiểu là người dân, quần chúng, chỉ về toàn thể những người sinh sống trong một Quốc gia. Khi nói dân là xác định quan hệ với Nhà nước - người dân, dân thường. Trong xã hội phong kiến, dân được xem dân đen, thảo dân. Theo quan niệm thời phong kiến, vua là con Trời (Thiên tử), thay Trời “hành đạo”, “chăn dắt” người dân. Cuộc cách mạng tư sản đã “lật nhào” quan niệm sai lầm về quyền lực thần thánh và trao lại quyền lực thật sự cho người dân. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là công chức) và những người làm việc trong bộ máy nhà nước là “công bộc” (đày tớ) của dân.
Với tư duy khoa học của chủ nghĩa Marx - Lênin và tư tưởng tiến bộ về nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định và tuân thủ nguyên tắc quyền lực thuộc về Nhân dân - “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Và, “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tr28). Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách nói ngắn gọn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Lời nhắc nhở này trở thành khẩu hiệu nơi công sở và có lẽ được thuộc lòng đối với hầu hết công chức. Thế nhưng, một ít người chưa thật sự hiểu sâu và hành xử không đúng đạo lý của người “đày tớ”.
Là người phục vụ, công chức phải hiểu “việc gì có lợi cho dân”. Tất nhiên, việc lợi cho người dân là vô hạn và ngày càng cao. Tuy nhiên, người dân cũng chỉ “cần” Nhà nước ở vài phương diện chính. Đầu tiên, điểm chính yếu đối với người dân được phản ánh trong câu thành ngữ “Dân dĩ thực vi tiên” (Dân lấy ăn làm đầu). Đây được xem là chân lý và đạo lý “cứng”. Thật ra, điều giản đơn có tính phổ quát này được các nhà sáng lập học thuyết Marx đã từng chỉ ra: “cái sự thật hiển nhiên... trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học...”. Người dân cần có công ăn việc làm (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) để nâng cao cuộc sống. Thứ đến, họ mong được bảo đảm an ninh, rồi khỏe và hạnh phúc. Xét cho cùng, đó là “ước vọng đơn sơ, ước mơ nho nhỏ” của người dân. Và do vậy, với những nhiệm vụ được pháp luật quy định, công chức phải làm tốt việc của mình. Họ có bổn phận phải tạo mọi điều kiện để cho những người hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có cơ hội khởi nghiệp, đầu tư phát triển, tìm kiếm lợi nhuận và qua đó đóng thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước phối hợp với nhau để giữ gìn an ninh - trật tự và xây dựng môi trường sống lành mạnh - “nơi đáng sống”. Đáng tiếc, vài kẻ vẫn nghĩ mình là “Quan trên” nên hống hách, “bắt nạt” dân thường và “bắt chẹt” người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để vụ lợi. Những hành vi “ức hiếp” này cần phải được loại bỏ.
Công chức phải nhận thức mình là người phục vụ. Cán bộ là “đày tớ” của dân chứ không phải “Quan cách mạng”. Người dân hình thành Nhà nước và trao quyền cho các cơ quan. Và từ đây, cơ quan Nhà nước tuyển chọn người làm trong bộ máy với các quyền và nghĩa vụ được xác định rõ ràng. Luật pháp không cho phép bất cứ ai lạm quyền, lộng quyền. Cùng với ý thức về nghĩa vụ “công bộc”, công chức phải thường xuyên nâng cao năng lực, kỹ năng về nghiệp vụ để có thể đáp ứng nhu cầu người dân một cách nhanh nhất, tốt nhất. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền phải tăng cường trách nhiệm quản lý công chức, tạo điều kiện cho họ hoàn thành xuất sắc trọng trách và kịp thời ngăn chặn, tiêu trừ những “sâu bọ”.
Khi nghiên cứu sâu các nội dung của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, chúng ta sẽ nhận ra “cái lõi” và trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là quan điểm vì dân. Ý thức “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” mang tính cách mạng đối với Nhà nước. Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân là Nhà nước mà ở đó công chức là những người tận tâm, mẫn cán đem lại hạnh phúc cho con người và sự thịnh vượng của quê hương, đất nước.
DÂN BIỆN