Một số kinh nghiệm trong tiếp xúc, đối thoại của cán bộ, công chức cấp xã với nhân dân

Cập nhật ngày: 13/02/2015 05:59:36

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa triển khai thực hiện bằng Chương trình hành động số 177. Chương trình tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng.

Với sự triển khai thực hiện nghiêm túc, công tác dân vận của chính quyền đã có chuyển biến tích cực và rõ nét. Nổi bật là mô hình “Cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ấp, khóm” hay thường gọi là “Ngày thứ sáu nghe dân nói” của xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao cách làm, hiệu quả của mô hình và chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được tổ chức vào lúc 15 giờ chiều thứ sáu hàng tuần ở các ấp, khóm; sau này là 2 tuần/lần; thành phần tiếp xúc, đối thoại gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND xã, các chức danh công chức của xã, Bí thư và Trưởng Ban nhân dân ấp, Trưởng trạm Y tế, hiệu trưởng các điểm trường trên địa bàn ấp; đối tượng tiếp xúc đối thoại là nhân dân trên địa bàn khóm, ấp.

Qua các buổi đối thoại, người dân hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn. CBCC tự nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngăn ngừa biểu hiện quan liêu, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ; giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo; tạo đồng thuận cao trong nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa CBCC với người dân; góp phần ổn định chính trị - xã hội; xây dựng khóm, ấp văn hóa; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Từ thực tiễn triển khai mô hình tiếp xúc đối thoại với nhân dân theo phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau: về thời gian tiếp xúc, đối thoại với nhân dân không rập khuôn, tùy tình hình thực tế, bình quân 2 tuần/1cuộc, xoay vòng các ấp trong xã. Địa điểm tiếp xúc thuận lợi để người dân tham dự, nhất là những nơi đông dân cư và có những công trình xây dựng trọng điểm. Trong đối thoại, đồng chí Chủ tịch UBND xã trực tiếp tham dự để giải quyết kịp thời, tạo lòng tin cho nhân dân, hạn chế việc ghi nhận ý kiến. Quán triệt cho CBCC tự nghiên cứu, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giải quyết thỏa đáng những ý kiến kiến nghị của người dân. Giải quyết dứt điểm những vụ việc thuộc thẩm quyền của xã. Ý kiến đề nghị cấp trên (cấp có thẩm quyền) sớm giải quyết, trả lời kịp thời cho người dân. Gợi ý nhiều hơn nữa để cho người dân mạnh dạn, thẳng thắn đóng góp ý kiến trong buổi tiếp xúc, đối thoại.

Việc thực hiện đối thoại của CBCC cấp xã với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội; phát huy khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo mối quan hệ người dân và chính quyền cơ sở ngày càng gắn bó, phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương.

Nguyễn Quốc Việt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn