Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:

Nhiều công trình, phần việc được nhân dân bàn và quyết định trực tiếp

Cập nhật ngày: 09/10/2015 05:22:35

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể quan tâm. Qua đó, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, bảo đảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gắn thực hiện quy chế dân chủ vào các chương trình, dự án có liên quan đến trực tiếp người dân mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Đảng ủy xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình, khi thực hiện các công trình trên địa bàn thì MTTQ và các đoàn thể xã làm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân nắm trước dự kiến loại công trình nào, sau đó chính quyền phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xây dựng lực lượng nòng cốt và tổ chức họp dân, công khai nguồn vốn xây dựng công trình, lấy ý kiến về mức đóng góp và thời gian thực hiện, công khai danh sách những người đóng góp trên trạm truyền thanh xã... Đặc biệt, sau khi công trình hoàn thành đều công khai minh bạch các khoản thu chi, nhất là các khoản do người dân đóng góp nên người dân đồng tình ủng hộ các công trình, phần việc do địa phương phát động.

Số liệu thống kê trong thời gian qua cho thấy, xã Bình Tấn đã bắc mới và sửa chữa 15 cây cầu gỗ, bê tông với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 30%. Thi công 11 công trình thủy lợi với tổng chiều dài gần 49km với tổng kinh phí trên 43 tỷ đồng, trong đó vận động người dân hiến được 80ha qui ra thành tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Riêng thực hiện xây dựng nông mới giai đoạn 2011 - 2015, nguồn lực đóng góp của nhân dân đã góp phần thực hiện đạt 13/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều đạt khá so với kế hoạch đã đề ra.

Trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, nhất là những công việc gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của người dân. UBND cấp xã đã xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức họp dân để thảo luận, bàn bạc công khai các nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp như: mức đóng góp làm đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, cất nhà tình thương, giúp nhau giảm nghèo...

Nhiều vấn đề được nhân dân đóng góp ý kiến dân chủ đã nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là tham gia đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, trong đó tỷ lệ huy động đóng góp trong dân chiếm từ 50 - 60% giá trị mỗi công trình, có nơi công trình do dân đóng góp 100%. Nhờ huy động tốt sức dân nên các công trình, dự án phục vụ sản xuất, phúc lợi xã hội, nổi bật là mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự phát triển vượt bậc so với nhiều năm trước và đa số công trình được kiên cố hóa kết hợp giao thông với đê bao chống lũ bảo vệ sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần của người dân.

Ngọc Tâm

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn