KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2023)

Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở

Cập nhật ngày: 22/12/2023 05:43:45

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231222054543mobifone_audio_1703198616528.mp3

 

ĐTO - Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027” (gọi tắt là Đề án 1371) của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đồng Tháp đã có sự chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu để UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc.


Phát tờ rơi tuyên truyền tìm hiểu một số quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ quân sự (Ảnh: TT) 

Để thực hiện Đề án 1371 hiệu quả, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và quy chế làm việc. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh là cơ quan thường trực có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; các cơ quan, đơn vị liên quan xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của ngành mình; đồng thời lồng ghép, kết hợp chặt chẽ với các chương trình, kế hoạch, các phong trào thi đua và cuộc vận động lớn tại địa phương; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 ở các cấp, nhất là các địa phương vùng biên giới đã chủ động rà soát, nắm chắc tình hình đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp cũng như đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên pháp luật và người có uy tín ở cơ sở cả về số lượng, chất lượng. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng (cấp tỉnh tổ chức 1 cuộc với 300 lượt người dự, các địa phương tổ chức 12 cuộc với trên 1.200 người dự); đồng thời cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ trực tiếp làm công tác này tại cơ sở. Một số đơn vị còn phối hợp với địa phương tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Ban Chỉ đạo Đề án 1371 cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương khảo sát và lựa chọn 8 nhóm văn bản luật về 3 lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Hình thức PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đa dạng dưới nhiều hình thức như: tổ chức phổ biến tập trung trực tiếp; nói chuyện pháp luật; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin nội bộ, bảng, biển, biểu ngữ, tranh cổ động; niêm yết tại cơ quan, đơn vị; Tủ sách pháp luật, tờ rơi, tờ gấp pháp luật, bản tin của cơ quan, đơn vị, khu dân cư; phối hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn, tọa đàm, Ngày pháp luật...

Công tác PBGDPL cho Nhân dân thông qua thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, dân quân tự vệ làm công tác dân vận; công tác xét xử, thi hành án, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý, đối thoại chính sách, giải đáp pháp luật, hòa giải ở cơ sở; hoạt động công tác dân vận; hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức quần chúng, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở...

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 cấp tỉnh tổ chức 9 buổi tuyên truyền cho 2.700 lượt đối tượng là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh và 12 buổi tuyên truyền cho 3.480 lượt người nghe là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khối sở, ban, ngành tỉnh về Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên... Đối với Ban Chỉ đạo Đề án 1371 cấp huyện tổ chức hơn 129 buổi tuyên truyền cho đối tượng là dân quân tự vệ, dự bị động viên và Nhân dân trên địa bàn với 12.900 lượt người nghe.

Ban Chỉ đạo Đề án 1371 cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh phối hợp với cơ quan tư pháp, văn hóa, thông tin và truyền thông địa phương củng cố, luân chuyển, hỗ trợ, bổ sung trên 1.200 sách pháp luật cho “Tủ sách pháp luật” tại các phòng đọc, thư viện bố trí tại các xã, phường, thị trấn; xây dựng hệ thống pa-nô, áp -phích, khẩu hiệu để tuyên truyền trực quan; biên soạn nội dung tuyên truyền pháp luật trên Chương trình “Quốc phòng toàn dân”, “Vì chủ quyền, an ninh biên giới” và các chuyên mục của cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương...

Đồng thời duy trì hiệu quả “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, cuộc vận động “Mỗi tuần học một điều luật”, mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” và các nhân tố tích cực, gương điển hình của tập thể, cá nhân trong chấp hành pháp luật Nhà nước, đấu tranh, phê phán với các hành vi tiêu cực, sai trái... Đặc biệt, các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2023”, “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy”, “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”... thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, lan tỏa sâu rộng khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.

Bên cạnh đó, từ các phong trào thi đua, cuộc vận động, các chương trình do Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội và địa phương phát động, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng, duy trì nền nếp, có chiều sâu nhiều mô hình, phong trào và sáng kiến có hiệu quả đã và đang triển khai thực hiện ở cơ sở; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo những biện pháp, cách làm mới, khoa học, hiệu quả trong thực hiện các phong trào, chương trình, mô hình. Cụ thể như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia trong tình hình mới”, “Đồng Tháp chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Lực lượng vũ trang tỉnh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Dân vận khéo” xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, “Nghĩa tình quân dân vùng biên”... được duy trì thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực.


Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công chức, viên chức các cơ quan tỉnh (Ảnh: TT)

Việc tuyên truyền, PBGDPL trong các trường học cũng được đẩy mạnh thông qua triển lãm, trưng bày sách, báo, tranh, ảnh; các mô hình: “Em yêu biển đảo quê hương”, “Biên giới với học đường”, “Tiết học vùng biên” và tổ chức các giờ học pháp luật cho học sinh và sinh hoạt ngoại khóa, tham quan đường biên, cột mốc biên giới cũng được triển khai rộng khắp ở khu vực biên giới. Các hình thức, mô hình, cách làm trên đã góp phần khẳng định sự đa dạng, phong phú về hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở góp phần đưa công tác này trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, các lực lượng và người dân địa phương.

Có thể khẳng định, qua triển khai thực hiện Đề án 1371 tại tỉnh Đồng Tháp đã góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tình trạng buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm. Đặc biệt, ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của Nhân dân được nâng lên, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới.

TRÚC MAI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn