Tận dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư thực hiện những tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao

Cập nhật ngày: 26/08/2022 18:46:50

ĐTO - Chiều ngày 26/8, tại xã Đốc Binh Kiều, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) do đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh làm Trưởng đoàn đến làm việc với Huyện ủy Tháp Mười về triển khai Kết luận 250-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 (viết tắt là Kết luận số 250-KL/TU).


Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu trong buổi làm việc với huyện Tháp Mười​

Báo cáo với Đoàn công tác, đồng chí Trần Thị Quý - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động số 115 năm 2022 về việc thực hiện Kết luận số 250-KL/TU; UBND huyện ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình hành động số 115 năm 2022 của Huyện ủy. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung các giải pháp sáng tạo, đồng bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của Nhân dân.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Tính đến tháng 8/2022, huyện Tháp Mười có 3/9 tiêu chí và 20/38 chỉ tiêu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; phấn đấu đến cuối năm 2022, đưa xã Thanh Mỹ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các ngành hàng chủ lực trong Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm: lúa gạo, sen, vịt, ếch, cá sặc rằn, cây mít tiếp tục được duy trì và phát triển; có 14 vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 17 mã số vùng trồng, tổng diện tích hơn 194 ha; huyện có 15 sản phẩm đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao, chủ yếu là các sản phẩm từ cây sen... Trong công tác giảm nghèo bền vững, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện có 640 hộ nghèo (chiếm 1,83%), 1.102 hộ cận nghèo (chiếm 3,15%). Huyện phấn đấu cuối năm 2022, giảm 0,33% tỷ lệ hộ nghèo và giảm 0,53% tỷ lệ hộ thoát cận nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết tiêu thụ các ngành hàng trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện còn gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được đầu ra ổn định; chất lượng, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất một số loại nông sản còn thấp; chưa thu hút được nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm chủ lực của huyện...

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tỉnh tham gia đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến lĩnh vực về y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, giao thông vận tải... để huyện Tháp Mười duy trì các tiêu chí xã, huyện NTM và thực hiện đạt huyện NTM nâng cao đúng lộ trình đề ra. Đồng thời triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đánh giá cao việc cụ thể hóa, triển khai, quán triệt Kết luận số 250-KL/TU của Huyện ủy Tháp Mười; lãnh đạo tổ chức thực hiện đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn, qua đó đó đạt một số kết quả phấn khởi. Trong thời gian tới, huyện Tháp Mười cần tập trung củng cố, giữ vững các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao gắn với duy trì, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa cơ sở. Đồng thời tận dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư thực hiện những tiêu chí huyện NTM nâng cao. Trong Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tháp Mười tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; tận dụng tiềm năng, lợi thế từ cây sen để có định hướng phát triển phù hợp, nâng cao giá trị cây sen; tăng cường xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị huyện Tháp Mười có các giải pháp sáng tạo, đa dạng phương thức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, thực hiện đạt các chỉ tiêu giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân…

Trước đó, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tỉnh đến thăm Mô hình vườn kiểu mẫu của hộ ông Lê Văn Vũ (Ấp 4); tìm hiểu tình hình hoạt động của Thuận Kiều Hội quán, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đốc Binh Kiều và tham quan xưởng sản xuất của Công ty TNHH Chơn Chính – doanh nghiệp chuyên xay xát và sản xuất bột thô (cùng ở Ấp 5, xã Đốc Binh Kiều).

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn