Lấp Vò

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với kinh tế tập thể

Cập nhật ngày: 09/05/2014 05:31:08

Ở huyện Lấp Vò, thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT) đã được cấp ủy tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo mang lại một số kết quả nhất định, tạo tiền đề cho việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của xã viên, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.


Các tổ hợp tác được hỗ trợ vay vốn sản xuất, được người dân
đồng tình và đánh giá cao

Trước hết, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lấp Vò đã lãnh đạo tổ chức củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển KTTT của huyện; đồng thời lãnh đạo đối với cấp ủy cơ sở thực hiện tốt công tác hoạt động đối với các tổ chức kinh tế mang tính tập thể. Trên cơ sở này, bước đầu đã làm cho xã viên, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn huyện thấy được và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển KTTT. Nhiều hộ nông dân, xã viên và người lao động nâng cao hiểu biết về THT, HTXNN trong tình hình mới, thấy được vai trò HTXNN đối với nhu cầu sản xuất, từ đó, giúp họ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, tham gia vào HTXNN sản xuất theo hướng hiện đại.

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thì số lượng THT, HTXNN của huyện cơ bản ổn định và hiệu quả hoạt động nâng lên. Tính đến 5/2013, toàn huyện có hơn 20 HTXNN với hơn 8.000 xã viên, tổng số vốn điều lệ trên 4.800 triệu đồng; 794 THT, trong đó 97 THT sản xuất nông nghiệp với 1.683 xã viên, 15 làng nghề với 5.152 hộ, 682 THT với 18.811 tổ viên. Đáng chú ý, hoạt động của “Quỹ tín dụng nhân dân” trên địa bàn huyện tổ chức có hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, đặc biệt là hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Cụ thể, Quỹ tín dụng Định An, Long Hưng A tổ chức cho hàng ngàn lượt nông dân vay vốn để phục vụ sản xuất, lợi nhuận thu về cho đơn vị hàng trăm triệu đồng.

Huyện phối hợp với các ngành chuyên môn trong và ngoài huyện tổ chức mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hợp tác - hợp tác xã cho các thành viên Ban Chỉ đạo KTTT xã, thị trấn; cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý, điều hành đối với các HTXNN. Theo BTV Huyện ủy Lấp Vò, công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho HTXNN được quan tâm, đa số cán bộ được tào tạo đã nhận thức được trách nhiệm trong công việc, đáp ứng yều cầu thực tiễn công tác, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Song, BTV Huyện ủy cũng thừa nhận rằng, nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTXNN chưa được cân đối theo yêu cầu; tỷ lệ cán bộ HTXNN chưa qua đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu mới còn nhiều, bị biến động thường xuyên do sự bố trí, sắp xếp cán bộ của cấp ủy địa phương ở các HTXNN.

Trong năm 2013, trên địa bàn huyện có 4 HTXNN tiếp cận được nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Đơn cử như HTXNN số 1, 2 (xã Định An), HTXNN Bình Hiệp B (xã Bình Thạnh Trung), HTXNN số 1 (xã Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ 100 triệu đồng/HTXNN để giải quyết việc làm cho xã viên, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều xã viên trên địa bàn huyện cho biết, thông qua nguồn hỗ trợ này, họ yên tâm hơn khi tham gia vào HTXNN, có điều kiện về kinh phí phục vụ cho sản xuất. Do đó, từng xã viên luôn tin tưởng vào chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đã kịp thời “cứu cánh” cho người nông dân, đặc biệt, HTXNN định hướng tìm đầu ra cho nông dân trong quá trình sản xuất.

Theo nhận định của BTV Huyện ủy Lấp Vò, KTTT trên địa bàn huyện cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém, củng cố được về mặt tổ chức, tích lũy đầu tư và phát triển, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, lợi ích cho xã viên. Hằng năm, HTXNN có lãi tăng dần, một số HTXNN đã tạo được lòng tin bằng hiệu quả kinh tế - xã hội của mình, thu hút được vốn, mở rộng diện tích phục vụ và tăng số lượng xã viên tham gia vào HTXNN. Đây là kết quả quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển KTTT trong thời gian tới.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn