Thủ tướng Chính phủ: “Phải biến nguy thành cơ”

Cập nhật ngày: 07/09/2021 16:04:16

ĐTO - Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó dự đoán, gây bất ngờ cho các nước, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng thấu hiểu những khó khăn và chia sẻ những mất mát của người dân do dịch bệnh, giãn cách xã hội...


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước, trong 8 tháng qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng 7; bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Thu ngân sách mặc dù trong những tháng gần đây có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, góp phần bảo đảm các nhiệm vụ chi, nhất là cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%, trong đó một số địa phương tăng ở mức cao như Ninh Thuận tăng 34,1%; Nghệ An tăng 23,1%; Hải Phòng tăng 20,6%; Bắc Ninh tăng 9,8%...

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%). Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có chiều hướng phát triển.

Vốn FDI thực hiện đạt hơn 11,58 tỷ USD, tăng 2%. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh và nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, hành chính, dịch vụ... Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, dù so với mong muốn và yêu cầu thì chưa đáp ứng được. Đến nay, đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Xuất cấp 134.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai 2 triệu túi an sinh xã hội. Các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tại 63/63 tỉnh, thành phố đã vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ gần 7 nghìn tỷ đồng.

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nêu rõ, trước mắt chúng ta cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố quyết định phục hồi kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh phát triển kinh tế thì các địa phương thực hiện giãn cách phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, đưa cả nước về trạng thái “bình thường mới”. Thủ tướng nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.

“Chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn Việt Nam để chuẩn bị các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh, giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn...”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch. Có phương án điều hành ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài.

“Phải có biện pháp thu phù hợp với tình hình khi người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, có cách làm tốt hơn, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, thu thuế trực tuyến để tránh thất thu và an toàn về phòng, chống dịch”, Thủ tướng lưu ý.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công công. Có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu. Phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm. Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành.

Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; chú trọng nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản nông sản, nhất là công nghệ sau thu hoạch. Bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi, không để gián đoạn sản xuất. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm (dự kiến 2-3 triệu lượt người). Duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Cùng với đó, làm tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, rà soát, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 68, nghiên cứu huy động các quỹ để tham gia nhiệm vụ chăm lo an sinh xã hội. Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trong triển khai, tổ chức năm học mới phù hợp; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước; tổ chức dạy và học qua truyền hình... Chú trọng công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, bão lũ. Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất. Bảo đảm vững chắc quốc phòng; chuẩn bị sẵn sàng phương án bổ sung lực lượng để tăng cường cho công tác phòng, chống dịch và cứu trợ, cứu nạn, khắc phục thiên tai trong điều kiện dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhất là ngoại giao vaccine; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19, phổ biến các kiến thức phòng, chống dịch. Chú ý cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân, kiến nghị của doanh nghiệp, của đội ngũ trí thức. Phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thông tin, truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Tăng cường quản lý; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xử lý nghiêm các vi phạm.

 “Trong lúc khó khăn này, phải biến nguy thành cơ, cơ hội để đánh giá quản trị quốc gia, cơ hội đánh giá cán bộ, cơ hội chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Càng trong lúc này càng phải đoàn kết, thống nhất, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động tối đa các nguồn lực, nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

P.V

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn