Thực hiện dân chủ cơ sở góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Cập nhật ngày: 26/12/2014 06:38:28

Năm 2014, việc triển khai, thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã được chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể tiếp tục thực hiện và mang lại những hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thực hiện QCDC, chính quyền và nhân dân đã tạo được sự đồng thuận góp phần quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, đảm bảo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, gắn việc thực hiện QCDC vào các chương trình, dự án có liên quan trực tiếp đến người dân, bằng nhiều hình thức như: niêm yết văn bản tại trụ sở UBND xã, ban nhân dân ấp, khóm; triển khai, giải đáp thắc mắc trong các buổi đối thoại với người dân của địa phương. Mô hình “Ngày thứ Sáu nghe dân nói” ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình thực hiện đạt hiệu quả cao và đã được nhân rộng ra toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thu hút được sự đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp (DN) xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Triển khai thực hiện có tiến bộ các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công, chỉ số cải cách hành chính...

MTTQ các cấp thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền thực hiện QCDC cơ sở. Công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Ban thanh tra nhân dân tích cực tham gia và nắm bắt những ý kiến phản ánh của quần chúng để kịp thời kiến nghị với chính quyền, các ngành chức năng giải quyết. Việc xây dựng quy ước khóm, ấp được quan tâm thực hiện, toàn tỉnh có 693/693 khóm, ấp đã xây dựng quy ước. Công tác hòa giải cơ sở, giải quyết các vụ khiếu kiện tiếp tục được duy trì. Thông qua đó, giáo dục công dân hiểu rõ và chấp hành đúng pháp luật, thấy được quyền và nghĩa vụ của mình đối với xã hội, góp phần vào việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, giữ gìn tình làng nghĩa xóm ngày một tốt hơn.

Việc thực hiện QCDC cơ sở ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua, cải cách hành chính, cải tiến nội dung, lề lối phương pháp làm việc. Cán bộ, công chức (CBCC) được biết, được bàn và tham gia ý kiến trước khi cấp có thẩm quyền quyết định; các chế độ, chính sách đối với CBCC được thực hiện dân chủ, công khai. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa cấp ủy, thủ trưởng cơ quan và tổ chức công đoàn... từ đó, tạo điều kiện cho CBCC, viên chức thực hiện dân chủ trực tiếp góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Trong các DN, QCDC ở cơ sở được thực hiện như điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những quy định, quy chế, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại nơi làm việc, hội nghị người lao động (NLĐ); thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. Thực hiện các mô hình như: “Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể trong DN khu vực ngoài nhà nước”, “Công đoàn đồng hành cùng DN thực hiện chính sách pháp luật”... Các DN đã công khai, trưng cầu dân ý kế hoạch sản xuất kinh doanh, chế độ, chính sách có liên quan đến NLĐ, nội quy, quy chế của DN, công khai tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội,...

Có thể khẳng định, QCDC đã từng bước đi vào cuộc sống, dù ở thành thị hay nông thôn, tỉnh, huyện hay cơ sở, việc thực hiện QCDC đã trở thành phương châm hành động chung của đội ngũ CBCC, viên chức và nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn những hạn chế. Một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm, thiếu sâu sát. Việc thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” còn mang tính hình thức. Chính quyền một số cơ sở còn xem nhẹ việc thực hiện QCDC, thiếu công khai, minh bạch nên sự tín nhiệm, hài lòng của nhân dân chưa cao. Một số cơ quan hành chính, sự nghiệp chưa xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thiếu công khai, minh bạch cho CBCC biết; hoạt động thanh tra nhân dân ở cơ quan còn mang tính hình thức, hiệu quả kém. Một số DN thường giao khoán cho tổ chức công đoàn thực hiện QCDC cơ sở, chưa đề ra đầy đủ những quy định, quy chế cụ thể để NLĐ tham gia đối thoại trực tiếp.

Trong thời gian tới, cần tăng cường các giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở. Cần xác định rõ, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện QCDC ở cơ sở là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế nhân dân làm chủ xã hội trong xây dựng và phát triển đất nước.

H.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn